Du lịch nội địa: Vẫn cảnh đìu hiu

Mặc dù đã đi qua năm tồi tệ nhất trong lịch sử (năm 2020), song ngành du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn rất khó khăn trong năm 2021, khi số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) vừa cảnh báo, lĩnh vực này không thể phục hồi về mức trước đại dịch sớm hơn năm 2023.
Vẫn cảnh đìu hiu
Do đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nên từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã “mở cửa” trở lại du lịch nội tỉnh, nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh phần nào thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, dù tái khởi động trở lại, nhưng các điểm đến vẫn rất đìu hiu.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, trong bối cảnh, hoạt động du lịch quốc tế trên thế giới chưa thể kích hoạt trở lại, cùng với quảng bá xúc tiến, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm mới tập trung thu hút khách du lịch nội địa như: Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, sản phẩm tour du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò... Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội cũng chỉ đón và phục vụ được khoảng 2,9 triệu lượt khách nội địa, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại tỉnh Thanh Hóa, địa phương này đã cho hoạt động du lịch, dịch vụ trở lại từ giữa tháng 6, và đây cũng là thời gian cao điểm của du lịch biển, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP. Sầm Sơn vẫn tạm thời đóng cửa, chưa hẹn ngày mở lại. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách đến chỉ bằng 29% kế hoạch năm, với tổng thu du lịch ước đạt 1.345 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhằm từng bước khôi phục trở lại hoạt động du lịch, TP. Sầm Sơn tập trung đẩy mạnh kích cầu du lịch với chủ đề “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”, huy động sự vào cuộc của đông đảo đơn vị kinh doanh dịch vụ mang đến cho du khách mức giá ưu đãi nhất, chất lượng dịch vụ đảm bảo, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Song, đến nay, nhiều nhà hàng, khách sạn tại các trục đường chính của trung tâm thành phố như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Lê Lợi… luôn trong trạng thái “tối đèn”. Những trục đường ven biển vẫn yên lặng đến xót xa. Thỉnh thoảng vào buổi chiều mới có một lượng khách nhỏ, song chủ yếu là các nhóm khách lẻ nội tỉnh đến để tắm biển.
Theo anh Dư Công Đức (nhà ở TP. Sầm Sơn): “Khi du lịch quốc tế chưa có, khách liên tỉnh cũng không có, chỉ cơ bản là khách 'trong làng' thì dịch vụ du lịch không thể phát triển được, vì thu không đủ bù chi phí. Với lại, là người dân địa phương, ngày nào cũng trải nghiệm các dịch vụ của quê mình mãi cũng thấy chán”.
Với kỳ vọng sau chuỗi ngày dài thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại để phòng, chống dịch, đây sẽ là dịp để du khách thưởng cho mình những ngày nghỉ, nhiều công ty du lịch tại các tỉnh thành đã chủ động chỉnh trang, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất để mở cửa đón khách trở lại, tuy nhiên đến nay các điểm đến trên nhiều địa bàn vẫn im lìm, vắng khách.
Còn rất xa vời
Phải khẳng định, đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch toàn cầu khiến doanh nghiệp du lịch vượt xa ngưỡng giới hạn chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, hay tìm kiếm nhiều phương án khác để tồn tại, song đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế.
Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội: Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chung của ngành du lịch. Trước khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp vận chuyển, kinh doanh cơ sở lưu trú đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành hoạt động cầm chừng… nhưng đến thời điểm này cũng kiệt sức. Các gói kích cầu gần như đóng băng do khách hủy tour. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác trong thời gian chờ thị trường du lịch ổn định trở lại.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng có chung chia sẻ: Các đợt dịch liên tiếp diễn ra khiến doanh nghiệp du lịch nói chung, lữ hành nói riêng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Những tác động tiêu cực dường như vượt qua sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu Chính phủ không kịp thời có những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch thì tương lai cả thị trường du lịch nội địa lẫn quốc tế đều rất mịt mù.
Trước tình cảnh này, cơ quan chức năng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Xem xét giảm thuế VAT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm tiền thuê đất và giãn nộp thuế… Sau khi xem xét kiến nghị của các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tin này được doanh nghiệp cũng như người lao động một lần nữa trông chờ và hy vọng nhiều từ quyết sách mới này của Chính phủ.