Doanh nghiệp và người lao động còn khó khăn, kiến nghị nhà nước khoan tăng giá điện

Tỉnh Bình Dương tập trung khoảng 1,4 triệu lao động, đa số là lao động ngoại tỉnh. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn sản xuất, công nhân phải chi tiêu eo hẹp, người lao động mong muốn Nhà nước khoan điều chỉnh tăng giá điện.
Doanh nghiệp và người Lao Động khó khăn
Theo ghi nhận tại Bình Dương, 5 tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, may mặc khó tìm kiếm đơn hàng mới. Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động.
Sự khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Tại thị xã Tân Uyên, hàng chục nghìn lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Nhiều lao động không tìm được việc mới đã bỏ về quê; nhiều nhà trọ ở các phường Hội Nghĩa, Uyên Hưng bỏ trống nửa số phòng.
Trong khi đó, tại thành phố Thủ Dầu Một, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đại Đăng, Kim Huy, Sóng Thần đã không còn tuyển dụng lao động ồ ạt như trước.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lao động việc làm ở Bình Dương khá tốt, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều tuyển dụng lao động. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng tình hình thế giới, các doanh nghiệp bị mất đơn hàng. Từ đó các doanh phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhất là doanh nghiệp may mặc, da dày, điện tử, gỗ. Có thời điểm, mỗi ngày Sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương ký quyết định cho 400 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay có 70.000 người mất việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Giá điện tăng, thêm khó khăn
Trước thông tin về việc sẽ điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, một doanh nghiệp gỗ tại thành phố Dĩ An cho biết, trong bối cảnh khó khăn nếu điều chỉnh tăng giá điện thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người lao động. “Chúng tôi có gần 2.000 lao động, hiện cho tạm nghỉ khoảng 800 lao động. Công ty đang cố gắng xoay sở để để duy trì việc làm cho những lao động còn lại. Trường hợp giá điện điều chỉnh tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng, làm tăng gánh nặng cho chúng tôi” - Giám đốc nhân sự công ty gỗ cho biết.
Bà Thái Kim Anh (chủ nhà trọ Kim Anh có khoảng 60 phòng tại đường Hiệp Hoa Thám, P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu một) cho rằng
giai đoạn này tăng giá điện là chưa phù hợp vì sẽ tác động xấu đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân còn phải đi ở trọ.
“Hiện mỗi phòng cho thuê từ 800-900.000 đồng/tháng, chưa tính điện nước. Khoảng 3 năm gần đây do dịch bệnh, chúng tôi không tăng giá phòng. Đối với tiền điện, nhà trọ đang thu hơn 3.000 đồng/kwh. Mức thu này chưa đủ để nhà trọ chi phí mua dây điện, bóng, đồng hồ... Trường hợp tăng giá điện trong lúc này thì chúng tôi cũng phải thu giá mới. Theo tôi chưa nên tăng giá điện, hoặc có điều chỉnh thì cần có chính sách giá điện với nhà trọ và người dân còn đi ở trọ” - bà Thái Kim Anh đề nghị.