Doanh nghiệp thiếu vốn, chiết khấu quá thấp, nhiều cấp trung gian: Cây xăng đóng cửa

Trước việc nhiều cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt diễn ra ở nhiều tỉnh miền Nam - và lan cả ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Cần tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp
Thưa ông, chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam đã được Bộ Tài chính đề xuất nâng lên và áp dụng từ ngày 11.11. Tuy nhiên, chi phí này theo một số doanh nghiệp đánh giá là quá thấp, chỉ tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này này?
- Đại biểu Hoàng Văn Cường: Xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý. Do vậy, Nhà nước phải định giá xăng dầu và có chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Nguyên tắc điều chỉnh phải dựa trên những chi phí cụ thể, đảm bảo hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phải tính đúng, tính đủ.
Để tính đúng, tính đủ, Bộ Tài chính phải có số liệu, cơ sở đánh giá cụ thể. Tính toán từ mức chiết khấu đến các chi phí trong quá trình vận chuyển, lưu thông xăng dầu.
Cơ sở đánh giá này dựa trên yếu tố lịch sử điều hành đã thực hiện trong nhiều năm qua. Đồng thời, phải đánh giá xu thế thay đổi của các nguồn cung cấp.
Hiện nay, Việt Nam đang có nguồn cung cấp trong nước khá cao. Như Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, chúng ta có thể phấn đấu đạt 70-80% nguồn cung trong nước. Chủ động được nguồn cung thì các vấn đề chi phí, chiết khấu cũng sẽ được tính toán chủ động hơn so với việc phụ thuộc hoàn toàn 100% vào nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chiết khấu hoa hồng cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí 0 đồng. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng ta vẫn điều tiết tốt, không cửa hàng nào thiếu xăng dầu. Nhưng giai đoạn này, giá xăng dầu thế giới không tăng quá cao, tại sao trong nước lại xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu?
Tôi cho rằng, lỗi ở đây không phải do nguồn cung thế giới, không phải do không nhập được xăng dầu, mà lỗi do cơ chế điều hành của bộ ngành chưa phù hợp.
Thực tế, với mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, nên doanh nghiệp buộc phải nghỉ bán.
Cần tăng chi phí chiết khấu cho các doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, chúng ta chưa làm được điều này; mới chỉ thực hiện được chi phí chiết khấu cho nhà phân phối, còn hệ thống doanh nghiệp bán lẻ không có.
Công tác điều hành liên quan tới chi phí chiết khấu; sự phân chia chi phí chiết khấu giữa công ty đầu mối, nhà phân phối và nhà bán lẻ nếu có sự hợp lý hơn - sẽ không để xảy ra tình trạng các cây xăng bán lẻ phải dừng bán như hiện nay.
Nếu phân chia chiết khấu hợp lý sẽ không có tình trạng cây xăng ngừng bán
Rất nhiều ý kiến cho rằng tình trạng thiếu hụt trên thị trường xăng dầu chưa dừng lại, theo đại biểu đâu là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong giai đoạn tiếp theo?
Đây là hạn chế của hệ thống quản lý xăng dầu Việt Nam. Ở các quốc gia có hệ thống kinh doanh xăng dầu hàng đầu, doanh nghiệp kinh doanh hoàn toàn độc lập, tự do cạnh tranh, Nhà nước hầu như không cần phải can thiệp. Các công ty tự định giá để đưa ra thị trường.
Ở Việt Nam, Nhà nước vẫn đang quản lý mặt hàng xăng dầu. Do vậy, việc cơ quan quản lý đưa ra chính sách điều hành, nếu không phù hợp sẽ gây tác động tới thị trường.
Khi Nhà nước không có công cụ quản lý tốt rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Do vậy, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu, xem lại hai yếu tố:
Thứ nhất, phải xem cơ chế điều hành xăng dầu thực sự đã hiệu quả, khoa học chưa và đã dựa trên các cái nguyên tắc khách quan, đảm bảo rằng khi quyết định đưa ra, lợi ích của Nhà nước được đảm bảo chưa, quyền lợi của doanh nghiệp thoả đáng chưa.
Thứ hai, cần xem lại hệ thống cung cấp nguồn cung xăng dầu quốc gia xem thế nào để có giải pháp căn cơ. Hiện nay, việc có quá nhiều tầng nấc trung gian phân phối xăng dầu dẫn tới hệ luỵ mất kiểm soát. Bởi có tình trạng một số đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu xin giấy phép để có room tín dụng, hạn mức vay ngân hàng lớn; sử dụng vốn vay ngân hàng vào mục đích khác như kinh doanh bất động sản, chứng khoán...
Hệ luỵ dẫn đến ngân hàng xiết tín dụng vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối khác làm ăn chân chính, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác điều hành liên quan đến các chi phí kinh doanh, chiết khấu cũng cần được quan tâm đúng mức. Nếu sự phân chia chiết khấu giữa công ty đầu mối, thương nhân phân phối và nhà bán lẻ cần hợp lý hơn sẽ không có tình trạng cây xăng ngừng bán như hiện nay...
Cảm ơn ông!