Doanh nghiệp tôm VN: Không ngại Covid-19 ở châu Âu, mà lo ba vấn đề lớn nằm ngay ở trong nước

Cung cạn đẩy giá tôm nguyên liệu tăng kỷ lục
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vụ tôm chính đã qua nên nguồn cung giảm mạnh, trong khi nhu cầu xuất khẩu cuối năm tăng cao là lý do đẩy giá tôm nguyên liệu tăng ở mức cao.
Hiện tôm thẻ thu mua tại ao loại 100 con/kg có giá từ 95.000 đến 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg dao động từ 138.000 đến 140.000 đồng/kg. So với tháng 5 giá tôm đã tăng khoảng 20%.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu vẫn vượt mốc 633 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả này là nhờ tỉnh Bạc Liêu đã linh hoạt trong công tác phòng dịch tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để việc vận chuyển hàng hóa về các nhà máy không bị đứt gãy, duy trì ổn định khâu chế biến và tăng cường chế biến sâu để xuất khẩu vào các thị trường khó tính với giá bán cao, đầu ra ổn định. Năm 2021, Bạc Liêu đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 755 triệu USD.
Không chỉ tại Bạc Liêu mà hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm tại Trà Vinh cũng đang diễn ra khá sôi nổi khi khác nhà máy ký được nhiều đơn hàng mới. Ngoài sản xuất tôm lột vỏ đông lạnh các nhà máy tại tỉnh Trà Vinh còn mạnh dạn đầu tư công nghệ để đẩy mạnh chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng nhằm cạnh tranh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long cho biết, công ty đã ký các đơn hàng cho năm 2022 nên nhà máy không chỉ tập trung sản xuất để kịp giao các đơn đã ký trong năm 2021 cho khách hàng để họ bán vào dịp lễ Noel và tết Dương lịch, mà còn chuẩn bị giao các đơn hàng mới ký.
Không ngại COVID-19 ở châu Âu, mà lo ba vấn đề nằm ở trong nước
Dịch COVID-19 đang tái bùng phát tại châu Âu và Áo là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn, và lệnh phong tỏa sẽ được thực hiện vào ngày 22/11/2021. Hà Lan cũng đang Phong tỏa một phần lãnh thổ. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức cho biết đợt dịch thứ tư đang diễn biến khốc liệt trong nước và Đức cũng không loại trừ việc áp đặt lệnh phong tỏa... Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, dù châu Âu có tái áp dụng lệnh phong tỏa cũng sẽ không ảnh hưởng lắm đến tình hình logistics và tình hình xuất khẩu tôm sang khối này không có gì đang ngại.
Hiện nay vấn đề là ở trong nước. Từ khi quay lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới,
doanh nghiệp tôm phải đối mặt với ba vấn đề lớn: đó là tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp dẫn đến nhà máy thiếu công nhân làm việc và sự thay đổi của các nhà nhập khẩu.
“Vấn đề nguyên liệu thì doanh nghiệp có thể giải quyết được, còn thiếu công nhân thì doanh nghiệp đành chịu. Vì nếu xe chở công nhân nào có phát hiện ca F0 thì địa phương sẽ cho thực hiện cách ly tất cả các F1 trên xe, nên số công nhân làm việc tại các nhà máy chỉ còn khoảng 25% so với trước dịch, khiến các doanh nghiệp tại Sóc Trăng đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng lao động", ông Phẩm cho biết. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm - thời điểm doanh nghiệp cần nhiều công nhân làm việc để trả các đơn hàng đã ký đúng ra phải trả từ tháng 8, tháng 9 nhưng đến nay vẫn chưa trả được. Qua tháng 10 vừa mở cửa làm việc lại thì tình hình dịch bệnh lại phức tạp và doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa.
Chủ tịch HĐQT Stapimex chia sẻ: "Nhu cầu nhập khẩu tôm của các nước châu Âu đang rất cao và doanh nghiệp cũng đã ký được hợp đồng mới với giá tốt, nhưng tôi có cảm nghĩ
Tất cả doanh nghiệp tôm thậm chí doanh nghiệp cá tra ở ĐBSCL đều đang rơi vào tình trạng khó khăn như chúng tôi, đó là hợp đồng cũ giao chưa xong hợp đồng mới giao chưa được, khiến doanh nghiệp mất uy tín với khách hàng và có nguy cơ mất luôn khách hàng”.
Mỹ vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu tôm số 1
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm mạnh trong 2 tháng 8 và 9 năm nay, xuất khẩu tôm tháng 10/2021 đạt 425,3 triệu USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 10 tháng, xuất khẩu tôm đạt 3,189 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 10 năm nay, trong số các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc đều tăng, riêng thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm.
Cụ thể, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 117,7 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 892,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ dự báo sẽ tiếp tục tăng, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý 1/2022.
Nhu cầu tôm tại thị trường EU đang rất tốt
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 10 đạt gần 74 triệu USD, tăng 13% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt gần 482 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang thị trường EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong những tháng cuối năm nay vẫn tiếp tục tăng. Ba thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 10/2021, xuất khẩu tôm sang Đức và Hà Lan tăng lần lượt 17% và 0,6%, xuất khẩu tôm sang Bỉ tăng 7%.
Những tháng cuối năm, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU.
Thị trường Trung Quốc vẫn chìm trong suy giảm
Tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt 43,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 341,5 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm liên tục từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân là do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ virus corona trên thủy sản nhập khẩu khiến thông quan tại các cảng ở Trung Quốc bị ách tắc.
Ngoài ra, ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng giảm bởi dịch COVID-19 nên nước này cũng muốn bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản nội địa, nên tìm cách hạn chế nhập khẩu. Trung Quốc cũng đã và đang tăng cường truyền thông mạnh người dân sử dụng sản phẩm của Trung Quốc.