
Tin tổng hợp: Ngành Công nghệ Thông tinCNTT) VN, với số lượng khoảng 50.000 kỹ sư IT từ năm 2003 đã phát triển lên hơn 260.000 người vào năm 2019, gấp khoảng 5,2 lần. Tuy nhiên, với đà phát triển về mặt số lượng và chất lượng của kỹ sư CNTT như hiện tại thì tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Theo khảo sát của ITviec, ngành CNTT VN sẽ thiếu khoảng 350.000 - 400.000 nhân sự trong năm 2020. Có nghĩa là các nhà tuyển dụng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nếu muốn chiêu mộ được những ứng viên sáng giá.
Bên cạnh động thái hạ thấp các yêu cầu liên quan đến kinh nghiệm làm việc hay chứng chỉ chuyên môn, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đào tạo lại cho những ứng viên mới ra trường miễn là họ có khả năng tiếng Anh tốt. Thậm chí, nhiều tập đoàn lớn như VinGroup hay FPT còn quyết tâm cạnh tranh bằng cách đặt hàng các trường đại học để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho những năm sắp tới.
Theo kết quả khảo sát vừa được thực hiện bởi ITviec, 26,1% tiết lộ mức lương cho nhân sự IT đã tăng hơn 20% và 41,3% cho biết lương nhân sự IT đã tăng thêm khoảng 10-20% trong 12 tháng qua. 37% trong số họ cũng chia sẻ có kế hoạch tăng lương từ 10% đến hơn 20% trong năm tới.
Với thống kê sơ bộ thì hiện tại, mức lương trung bình dành cho 1 kỹ sư CNTT được đăng tuyển trên website ITviec.com đã tăng 13% so với cùng kỳ, từ 1009.98 USD lên 1141.28 USD. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của hầu hết các ứng viên khi mà mức chênh lệch giữa mức lương kỳ vọng và mức lương thực nhận vẫn nằm ở mức cao: 30-50%.
Có đến 43% số người được hỏi chia sẻ rằng họ muốn nhảy việc trong năm tới. Những nguyên nhân nghỉ việc phổ biến nhất là:
không hài lòng với mức lương hiện tại (32%),
không có cơ hội thăng tiến (21%),
công ty không có chính sách đào tạo và phát triển đúng cách (16%),
mâu thuẫn với cấp trên (7%)
và một số nguyên nhân khác.
1,5 năm là thời gian trung bình mà một kỹ sư CNTT gắn bó với một công việc. Mức độ trung thành với công ty chỉ tăng dần khi họ đảm nhận các vị trí ở cấp quản lý như Project Manager hay CTO. Theo khảo sát, các kỹ sư CNTT chỉ cảm thấy được tôn trọng và muốn gắn bó lâu dài hơn khi công ty có các chính sách phúc lợi phù hợp, đặc biệt là mảng đào tạo.
57% kỹ sư CNTT thừa nhận họ muốn làm việc tại các công ty nước ngoài bởi chính sách đào tạo rõ ràng, chuyên nghiệp và cơ hội làm việc trực tiếp với nước ngoài hoặc làm việc tại chỗ ở các quốc gia khác. Chỉ có 6% muốn làm tại công ty Việt Nam vì phù hợp với môi trường làm việc. Số còn lại không quan trọng loại công ty.