
Ngày 23/10, Quốc hội khóa XIV trong chương trình kỳ họp thứ 8, đã thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm của người lao động.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk): Thời giờ lao động bình thường của người lao động Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Số giờ làm việc hiện nay của người lao động nước ta là 48 giờ/tuần, cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/năm thì tổng quỹ thời gian làm việc của người lao động lên đến 2.620 giờ/năm .
Vì thế, đại biểu Đắk Lắk nhất trí với phương án là không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa so với quy định hiện hành và cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức doanh nghiệp vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động.
Ngược lại với ý kiến trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề nghị giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường. Đại biểu cho rằng nếu rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, làm suy giảm cạnh tranh của doanh nghiệp, làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng... Do đó, cần mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm đối với một số ngành nghề đặc biệt.