Cuộc chiến năng lượng ở Châu Âu

Châu Âu hiện không chỉ có chiến sự bởi Nga xâm lăng Ukraina mà còn đã bắt đầu một cuộc chiến khác giữa Nga và những nước nhập khẩu khí đốt của Nga hậu thuẫn Ukraina.
Khởi động cuộc chiến mới Cuộc chiến này chính thức bắt đầu với việc Nga quyết định ngừng cung ứng khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria cho dù hợp đồng cung ứng ký kết từ trước đấy vẫn còn có hiệu lực đến cuối năm nay. Trước đấy, đã có những diễn biến báo hiệu về xảy ra kịch bản cuộc chiến mới này.
Trong số những biện pháp chính sách mà Mỹ, EU và đồng minh áp dụng trừng phạt Nga có việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift và cấm vận một số ngân hàng lớn thuộc sở hữu của nhà nước Nga. Mục đích là không để Nga tiếp tục tiếp cận mọi nguồn thu ngoại tệ và giao dịch thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ.
Lúc đầu, Nga đối phó bằng biện pháp yêu cầu tất cả các nước nhập khẩu khí đốt của Nga bị Nga đưa vào danh sách những đối tác không thân thiện với Nga phải thanh toán nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Nga tạo ra cơ chế riêng cho việc thanh toán này.
Đối với những nước khách hàng liên quan, đây là cú đòn hiểm của Nga bởi nó giúp Nga vừa lách qua được tác động của các biện pháp trừng phạt Nga lại vừa phân rẽ nội bộ khối các nước đang đối đầu Nga vì chuyện Nga xâm lăng Ukraina. Nga cũng còn thẳng thừng dọa rằng nếu không thanh toán bằng đồng rúp thì sẽ bị Nga ngừng cung ứng khí đốt.
Các nước khách hàng liên quan bị đẩy đến trước sự lựa chọn là phải chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp hoặc bị Nga ngừng cung ứng khí đốt. Một số chấp nhận cơ chế thanh toán mới của Nga trong khi Ba Lan và Bulgaria không chấp nhận. Hai nước này trở thành những khách hàng đầu tiên bị Nga ngừng cung ứng khí đốt trong thời gian vừa qua.
Còn nhiều bất ngờ lớn
Việc Nga có vi phạm hợp đồng đã ký kết hay không là một chuyện. Việc Nga còn có sự lựa chọn biện pháp chính sách nào nào khác hay không lại là chuyện khác. Điều rõ ràng và chắc chắn là
cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và các đối tác kia trên lĩnh vực khí đốt đã chính thức bắt đầu.
Khí đốt đã trở thành vũ khí của Nga trong cuộc đấu chọi với Mỹ, EU và đồng minh. Sau khí đốt rất có thể là dầu lửa, than đá và những nguyên vật liệu vốn là sản phẩm xuất khẩu lâu nay của Nga.
Hệ lụy về trung hạn và lâu dài của cuộc chiến mới này là các đối thủ của Nga sẽ ngừng nhập khẩu năng lượng và nguyên vật liệu từ Nga để không còn bị lệ thuộc vào Nga và từ đó không còn có những điểm yếu và dễ bị tổn thương mà Nga có thể bắt thóp.
Nga tung đòn nhằm vào Ba Lan và Bulgaria đầu tiên bởi hai nước này thuộc diện những nước chống Nga quyết liệt nhất và đều chỉ là những nước khách hàng nhỏ của Nga, tức là Nga có thể qua đó đạt được hiệu ứng chính trị, tâm lý rất cao trong khi mức độ lợi bất cập hại - tức là giảm thu nhập từ ngừng cung ứng khí đốt - lại không lớn. Nga dùng chiêu đòn này để răn đe các nước khách hàng khác và phân rẽ nội bộ phe đối đầu Nga.
Chắc chắn Nga đã nhận ra rằng các nước thuộc khối phương Tây sớm hay muộn, nhanh chóng hay từ từ thì cũng đều chủ trương giảm dần và đi đến chấm dứt sự lệ thuộc ở mức độ khác nhau vào cung ứng năng lượng từ Nga. Rồi sẽ đến thời điểm nào đấy Nga không chủ động ngừng cung ứng cho họ thì họ cũng chủ động ngừng nhập khẩu từ Nga.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng thay thế nhập khẩu năng lượng từ Nga hay có được cách nào đấy giúp tự chủ về năng lượng, các nước ở phe đối đầu Nga sẽ đi bước tiếp theo là không những chỉ cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng mà còn tiến hành trừng phạt cả những đối tác khác trên thế giới tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Cuộc chiến mới không phải là giao tranh súng đạn, bom hay tên lửa, máy bay hay xe tăng, mà là năng lượng và nguyên vật liệu, nhưng quyết liệt và không khoan nhượng không kém với cả diễn biến lẫn kết cục còn gây nhiều bất ngờ lớn.