top of page
  • Writer's pictureNBCN

Chuyên gia kinh tế: "Không nên chờ tới tháng 10 mới giảm thuế cho xăng"


Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng (TP HCM), tháng 02/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT để trình tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, nhưng các chuyên gia nói "không nên chờ tới tháng 10".


Từ 11/7/2022, thuế bảo vệ môi trường sẽ giảm thêm 1.000 đồng một lít với xăng, 500-700 đồng một lít với các mặt hàng dầu, theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tức là, giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550-1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT). Nhưng đây là loại thuế thu cố định, nên mức giảm giá bán lẻ trong nước còn phụ thuộc vào biến động giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Khi giá thế giới vẫn khó lường, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, căn cơ nhất là giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu, như tiêu thụ đặc biệt, VAT hay thuế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp thì đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét giảm một nửa (50%) mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hay VAT đánh trên mỗi lít xăng, dầu hiện nay (mặt hàng dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt). Bộ Tài chính gần đây cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu. Theo quy trình, nếu được Thủ tướng phê duyệt, bộ này sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.

Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội, nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm, và kỳ họp gần nhất là tháng 10.

"Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng cho phù hợp, để trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội", Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền.

Nhưng theo các chuyên gia, việc cân nhắc giảm hai loại thuế này với xăng dầu cần làm sớm, chứ "không nên đợi tới tháng 10" bởi giá xăng dầu neo ở mức cao, tăng trên 60% từ cuối năm ngoái, đang khiến các doanh nghiệp "điêu đứng".

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đồ uống cũng cho biết, malt (mạch nha)- nguyên liệu chính cho sản xuất đồ uống có cồn của đơn vị này đã tăng 70-80% so với cuối năm ngoái. Cộng với giá xăng dầu tăng khiến cước vận chuyển, phân phối "vọt" lên 15-20%... làm doanh nghiệp "chóng mặt" trong giai đoạn chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau dịch bệnh.

Tiền nhiên liệu chiếm tới gần một nửa trong doanh thu cũng đang là mối lo của các ông chủ kinh doanh vận tải.

Mỗi chuyến xe chở hàng tuyến Bắc - Nam bị tăng thêm gần 3 triệu tiền nhiên liệu so với hồi đầu năm, khiến Công ty Vận tải Quốc tế phải bù tiền xăng dầu. Nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh, doanh nghiệp sẽ khó trụ nếu tình trạng này kéo dài lâu.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp đồ uống cho rằng, nếu giá xăng dầu hạ nhiệt, sức ép tăng giá đầu vào, vận chuyển mới giảm bớt.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị Quốc hội họp bất thường để quyết nghị, vì nếu để tới tháng 10 mới tính, mới đề xuất giảm thì hệ luỵ tới ngành vận tải sẽ càng trầm trọng.

"Với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt đến cuối năm mới "cứu" được ngành vận tải không đứt gãy", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nêu.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cũng cho rằng, không nên chờ tới kỳ họp cuối năm mới có thể trình giảm hai loại thuế này, mà cơ quan quản lý nên kiến nghị kỳ họp bất thường trong trường hợp cần:

"Chờ tới tháng 10, giá cả liên tục tăng sẽ gây gánh nặng chi phí rất lớn lên doanh nghiệp, nền kinh tế".
bottom of page