top of page
  • Writer's pictureNBCN

Chuyên gia Kinh tế: Các gói hỗ trợ mới sẽ đi vào “vết xe đổ” của các gói hỗ trợ tài khoá năm 2020.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbright Việt Nam) nhận định:


Năm 2020, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng dành cho người lao động, các cá nhân và hộ kinh doanh cá thể chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gói miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Trong số này, gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 14 nghìn tỉ đồng, tương đương 22%.

Nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ quá rườm rà, nhiêu khê, ví dụ bắt người lao động phải chứng minh thiệt hại trong khi nhiều người lao động tự do không có giấy tờ.

Trong khi đó, trên thực tế là mức hỗ trợ rất nhỏ bé, không có tác động đáng kể về mặt vật chất để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và hộ kinh doanh.


Tương tự, gói miễn giảm thuế cũng không mang lại lợi ích nhiều cho các doanh nghiệp do những bất cập trong cách thiết kế gói hỗ trợ. Đơn cử như quyết định giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp vẫn đang hoạt động và có lợi nhuận.


Vô hình chung, gói hỗ trợ này đã loại trừ những đối tượng cần được giúp đỡ nhất như các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc đang làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, những doanh nghiệp được hưởng lợi chính lại là những doanh nghiệp đang có lợi nhuận tốt, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng cao.


Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tỏ ra rất thận trọng trong các gói hỗ trợ tài khoá. Gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ cho người lao động và gói miễn giảm thuế 20 nghìn tỷ cho doanh nghiệp còn nhỏ bé, không tạo nên tác động đáng kể.

Nếu vẫn giữ cách làm cũ, ràng buộc quá nhiều điều kiện thực thi thì các gói hỗ trợ này sẽ đi vào “vết xe đổ” của các gói hỗ trợ tài khoá năm 2020.

Trong khi đó, ngân sách hoàn toàn có đủ dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ở quy mô lớn hơn.


Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP năm 2020 là 3,5%, nằm trong kế hoạch đã đề ra.


Theo dự toán 2021, bội chi sẽ ở mức 344 nghìn tỉ đồng, tương đương 4% GDP. Thu ngân sách năm 2020 dù có đại dịch nhưng vẫn vượt dự toán.


Thu ngân sách 8 tháng năm 2021 của TP.HCM đạt gần 11 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh TP phải hứng chịu đợt dịch nặng nề và giãn cách xã hội trong suốt 3 tháng 6, 7 và 8.

bottom of page