Chi quỹ lớp hàng trăm triệu đồng: Đừng biến hội phụ huynh thành hội phụ thu

Tiền điện, tiền điều hòa, tiền quà Tết cho thầy cô…, rất nhiều khoản thu trái quy định được gắn mác “tự nguyện” và được thu bởi hội phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) mỗi dịp đầu năm học.
Đầu năm học mới, ngành giáo dục và các địa phương đều ra những văn bản, hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các trường minh bạch trong các khoản thu chi, không tự tiện đặt ra các khoản thu vô lý tạo nên gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Để đối phó với chỉ đạo chung, tại nhiều nơi, ban giám hiệu các trường không hề đặt ra thêm một khoản thu nào, thay vào đó, giao hết chuyện tiền nong cho hội phụ huynh. Và vì vậy, số tiền hàng năm cứ thế đội lên với đủ các khoản thu, từ dụng cụ, thiết bị, quà cáp cho thầy cô giáo, điều hòa, sửa sang cơ sở vật chất… năm nào cũng phải đóng. Những ngày qua, thông tin về dự kiến khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh (quỹ hội phụ huynh) tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đang gây chú ý khi có những lớp đưa ra thu, chi tới 270 triệu đồng. Số tiền trên bao gồm các khoản cơ bản, quà tặng 20.11 và quà Tết, chi cho học sinh...
Chưa kể còn có khoản như: Hoạt động dã ngoại, hoạt động đón Tết, hội hoa xuân và lệ phí thi tuyển sinh lớp 10 để trống khoản thu, được ghi chú là giáo viên chủ nhiệm thu trực tiếp từng học sinh.
Hội phụ huynh hay hội "phụ thu"?
Trong khi dư luận đang bức xúc khi nhìn bản dự toán chi lên đến gần 300 triệu đồng của một trường tại TPHCM, nhiều phụ huynh chia sẻ, trường hợp này không phải cá biệt. Hội phụ huynh với chức năng chính là "phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục" nay đã bị biến thành hội “phụ thu", trở thành "cánh tay nối dài của nhà trường".
Bất chấp các quy định của ngành giáo dục cũng như các địa phương, các khoản thu sai quy định vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi. Thời gian qua, Báo Lao Động đã có loạt bài viết phản ánh tình trạng lạm thu xảy ra tại nhiều trường học trên cả nước.
Chẳng hạn như đầu năm học mới, nhiều phụ huynh của Trường Mầm non 1, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng phản ánh về việc họ phải đóng góp "tự nguyện" lên tới 1,8 triệu đồng/kỳ tiền quỹ lớp. Trong số tiền nộp quỹ lớp, có khoản 300.000 đồng/học sinh phải trích về Ban đại diện phụ huynh nhà trường. Theo xác định của UBND quận Hồng Bàng, việc tổ chức thu các khoản này từ cha mẹ học sinh là không đúng với quy định tại Thông tư 55/2011/TT- BGDĐT, Thông tư của Bộ giáo dục và Đào tạo. UBND quận Hồng Bàng cũng yêu cầu Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường phải hoàn trả phần kinh phí vận động không đúng quy định cho cha mẹ học sinh.
Tình trạng lạm thu không chỉ xảy ra tại một nơi mà diễn ra tại nhiều tỉnh thành và nhiều trường học, biến tướng dưới nhiều hình thức, gây nên bức xúc trong dư luận.
"Nếu gia đình nào chỉ có 1 con trong độ tuổi ăn học thì đầu năm đóng 2-3 triệu tiền trường là điều bình thường. Nhưng với những gia đình có 3 con trong độ tuổi đi học như mình, các khoản đóng góp đầu năm là cả vấn đề" - chị Nguyễn Thu Hoài (Hồ Tây, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Nguyễn Thúy Tình (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ sự bức xúc khi đầu năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra rất nhiều các khoản thu như: Tiền photo, tiền quà cáp cho thầy cô, tiền tổ chức trung thu, tiền liên hoan, văn nghệ...
"Đầu năm, các con chưa học đã thu mỗi cháu 300.000 đồng tiền photo. Nếu tính cả lớp, cả trường, số tiền này rất lớn. Tôi tự hỏi liệu cả năm có dùng hết không và số tiền thừa sẽ đi về đâu?" - chị Tình đặt câu hỏi. Người mẹ này cho rằng, có rất nhiều khoản thu vô lý đầu năm, đa số phụ huynh đều không đồng tình nhưng vì tâm lý đám đông, lại sợ con bị thầy cô để ý, sợ con thua thiệt với bạn bè nên ai cũng tặc lưỡi cho qua.
"Tôi không bàn đến câu chuyện tổng số tiền thu về là bao nhiêu. Dù đắt, hay rẻ nhưng miễn là phục vụ việc học tập của các con thì phụ huynh chúng tôi đều ủng hộ. Điều chúng tôi phản đối là Ban đại diện cha mẹ học sinh lợi dụng danh nghĩa, thu tiền về và chi tiêu không đúng mục đích. Không rõ đây là hội phụ huynh hay hội "phụ thu" nữa" - chị Tình nói.