top of page
  • Writer's pictureNBCN

Chao đảo giữa cơn "bão giá", sinh viên co kéo chi tiêu, cật lực làm thêm


Bữa cơm trưa nay của tân cử nhân Hải An. Ảnh: NVCC

Giữa lúc giá cả leo thang, nhiều sinh viên phải chật vật, co kéo chi tiêu, làm thêm 2-3 công việc một lúc để đủ trang trải sinh hoạt phí và có tiền đóng học. Thậm chí, nhiều tân cử nhân cũng đang gồng mình trước cảnh khó tìm được việc làm.

Sinh viên co kéo chi tiêu, cật lực làm thêm

Chuyển trọ, đi bộ, gửi đồ ăn từ quê lên... là cách Trịnh Thị Phương - sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội giảm áp lực từ cơn bão giá. Trước đây, chỉ với 4 triệu đồng, Phương có thể lo đủ chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, đi lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả hàng hoá đắt đỏ, số tiền đó không đủ trang trải. "Trước đây, em thuê nhà cách trường 10km vì giá rẻ, nhưng giá xăng tăng đỉnh điểm, chi phí di chuyển bị đội lên rất nhiều. Vì vậy, em chấp nhận chuyển trọ đến gần trường, đi bộ đi học, thay vì mua thực phẩm trong siêu thị thì bố mẹ em gửi đồ ăn từ quê lên, em hạn chế ăn ngoài và tự nấu nướng.

Em cũng bắt đầu cắt hết những khoản chi tiêu như: mua sắm, ăn vặt, hạn chế đi cafe hay lê la quán xá như trước đây”- Phương chia sẻ.

Nhu cầu chi tiêu cao, học phí tăng gần gấp đôi khiến Phương lo ngại. Đúng dịp nghỉ hè, nữ sinh chọn ở lại Hà Nội làm thêm. Ngoài việc bán tour du dịch, Phương kết nối với anh chị hướng dẫn viên ở khoá trên để xin đi dẫn tour. Đồng thời, đăng kí làm nội dung và chăm sóc khách hàng tại một trung tâm thể hình.


Trịnh Phương (áo trắng đứng ngoài cùng bên trái) hướng dẫn tour đoàn khách nước ngoài. Ảnh: NVCC

Vũ Tùng Trung Anh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang làm thêm cật lực để gồng gánh chi tiêu. Dù đã nghỉ hè nhưng nam sinh vẫn học thêm tiếng Anh để thi chứng chỉ, chi phí học tập cũng vì vậy mà tăng cao.

Sinh viên này cho biết ngoài giờ học ở trung tâm tiếng Anh còn đi làm thêm tại một tiệm bánh mì 4 tiếng vào buổi tối với mức lương 20.000 đồng/giờ. Hai công việc mang lại thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng giúp nam sinh trang trải.

Cố bám trụ thành phố, chờ cơ hội việc làm

Dịch bệnh vừa qua, bão giá ập đến khiến không ít tân cử nhân khốn đốn vì cuộc sống mưu sinh. Nhiều người thất nghiệp chọn "lánh nạn" về quê, sống nhờ bố mẹ, trong khi số khác đang cố bám trụ thành phố, chờ đợi cơ hội việc làm.

Gần 1 tháng trụ lại Hà Nội bằng tiền tiết kiệm, Lê Hải An (Nam Định) vẫn chưa tìm được việc làm. Không phải không có nơi nào nhận An, nhưng sau vài lần đi phỏng vấn cô vẫn không tìm được nơi "dừng chân" ưng ý.

Tân cử nhân tâm sự, thời gian trước, em là nhân viên sáng tạo nội dung của một công ty thiết kế nội thất. Thu nhập trung bình mỗi tháng trên dưới 9 triệu đồng, không quá dư thừa, nhưng đủ sống và hết lòng vì công việc. Tuy nhiên, công ty gặp vấn đề nên đã nợ lương 3 tháng, không thể gắn bó nên em quyết định rời đi.

Thủ tục thôi việc đã hoàn tất nhưng công cuộc tìm việc của An vẫn chưa đâu vào đâu. Nói cách khác, giờ đây An đang thất nghiệp.

"Thời gian trước, cuối tuần em sẽ lên đồ cùng bạn bè đi cafe, ăn lẩu nướng. Chi tiêu dư dả, còn có tiền cho bố mẹ hàng tháng. Nhưng hiện nay, em buộc phải đặt ra giới hạn chi tiêu cho bản thân, co kéo chi phí sinh hoạt. Bữa ăn có thịt cũng giảm, bữa ăn có trứng tăng lên, nhiều hôm bữa cơm không có rau vì quá đắt" - Hải An bộc bạch.

Tương tự như Hải An, nhiều sinh viên mới ra trường cũng đang nỗ lực tìm kiếm việc làm, cố gắng bám trụ lại thành thị. Nhiều sinh viên cho biết, dù cố gắng “rải CV” khắp nơi nhưng vẫn "nằm nhà" chờ tin.

Hơn 2 tuần qua, Nguyễn Hương Xuân (Thanh Hóa) đã gửi hồ sơ xin việc đi khắp nơi nhưng chưa nhận được hồi âm từ công ty nào. Không xin được việc, mỗi ngày Xuân phải chắt chiu từng đồng để trang trải cuộc sống.

“Ra trường nhưng không xin được việc khiến em cảm thấy chán nản và bí bách. Mỗi ngày chờ email phản hồi từ nhà tuyển dụng giống như “cực hình” với em.

Thời buổi khó khăn, xăng đắt, thực phẩm không có để dự trữ, không có tiền để trang trải, nhiều lúc em muốn về quê với bố mẹ. Nhưng em nghĩ, bố mẹ đã nuôi mình ăn học chừng ấy năm, giờ là lúc bản thân phải tự lập, phải có trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình" - Hương Xuân bộc bạch.


bottom of page