Chủ tịch EU kêu gọi Ấn Độ cắt đứt thương mại dầu khí với Nga

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi Ấn Độ cắt đứt thương mại dầu khí với Nga, nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh như vậy không “bền vững”.
Cuộc chiến ở Ukraina, cho đến nay vẫn chưa lan sang bất kỳ quốc gia thành viên EU nào, là “một lời nhắc nhở rõ ràng rằng sự lệ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch của Nga là không bền vững” - RT dẫn lời bà von der Leyen nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 24.4.2022 tại Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế.
Cho đến nay, Nga vẫn thể hiện sự sẵn sàng tiếp tục cung cấp năng lượng đến ngay cả “những quốc gia không thân thiện”, mặc dù khẳng định rằng khí đốt phải được trả bằng đồng rúp. Tuy nhiên, một số quốc gia Châu Âu và Mỹ đã kêu gọi cấm vận năng lượng hoàn toàn từ Nga. Trong khi đó, một số nước, bao gồm cả Đức và Áo, cảnh báo rằng việc EU loại bỏ hoàn toàn lệ thuộc năng lượng Nga vào cuối năm nay là không thể.
“Những gì xảy ra ở Ukraina sẽ gây ra hậu quả” đối với Ấn Độ và khu vực xung quanh, bà von der Leyen nói trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị Đối thoại Raisina của Ấn Độ về địa chính trị và kinh tế hôm 25.4.2022, đồng thời chỉ ra giá ngũ cốc, năng lượng và phân bón tăng vọt như bằng chứng cho tuyên bố của mình.
Trong khi tuyên bố Châu Âu đã “áp đặt các biện pháp trừng phạt hiệu quả”, bà von der Leyen tuy nhiên ngụ ý rằng Ấn Độ có nhiệm vụ bổ sung vào “tính hiệu quả” đó, nhấn mạnh “đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, điều quan trọng như đối với Châu Âu là biên giới được tôn trọng và các phạm vi ảnh hưởng bị từ chối".
Bà von der Leyen cũng không ngần ngại đưa Ấn Độ vào phạm vi ảnh hưởng của riêng Châu Âu, tuyên bố rằng “Ấn Độ và Liên minh Châu Âu EU chia sẻ các giá trị cơ bản và lợi ích chung”, chẳng hạn như một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.
EU và Ấn Độ đã đồng ý thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ chung để “tham gia chiến lược sâu rộng” - hiệp ước thứ hai được ký kết giữa hai bên. Thỏa thuận còn lại là với Mỹ. Một tuyên bố chung của hai bên cho thấy hội đồng sẽ tập trung vào “mối liên hệ giữa thương mại, công nghệ đáng tin cậy và an ninh”.
Cho đến nay Ấn Độ từ chối tham gia cuộc chiến kinh tế của NATO chống lại Nga và đã tiếp đón các quan chức cấp cao từ các quốc gia khác nhau trong tháng này, trong đó nhiều quan chức theo một cách nào đó đã tìm cách khiến New Delhi tham gia trừng phạt Nga.
Chỉ vài ngày trước khi bà von der Leyen đến Ấn Độ, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đến thăm đất nước này để “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác lâu dài” giữa Anh và thuộc địa cũ, với mục tiêu thay đổi chính sách của Ấn Độ về Nga. Dự kiến sẽ có thêm nhiều quan chức Châu Âu tham gia cùng bà von der Leyen tại hội nghị Đối thoại Raisina.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự xâ, lăng Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.