Chỉ khoảng 20% công nhân Công ty PouYuen đi làm trở lại ngày 06/10/2021

Sáng 06.10.2021, hàng nghìn công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam đã đi làm trở lại sau hơn 2 tháng phải ngừng việc để phòng chống dịch COVID-19.
Ấn tượng đầu tiên là khu vực chợ tự phát xung quanh công ty không còn nữa, nên cảnh người dân bán đồ ăn cho công nhân trước cửa công ty cũng không có. Các công nhân chủ yếu đi làm bằng xe máy nên không có cảnh đông đúc như mọi khi.
Chị Trần Thị Thu Loan, công nhân sản xuất giày chuyền A, lầu 4, B4, quê ở tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Chị phải nghỉ việc từ tháng 7. Trong tháng 7 và tháng 8, chị được Cty trả lương tối thiểu vùng 4,42 triệu đồng. Tháng 9, công ty trả 50% lương tối thiểu vùng. Do không đi làm, lương thấp, nên cuộc sống cũng rất khó khăn. “Giờ có việc đi làm lại tôi rất vui. Chỉ mong sao giữ được ổn định, không bị bùng phát dịch để còn đi làm”.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Trường, quê ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, công nhân khu vực C6, cũng cho biết anh "bám trụ" lại TPHCM từ khi công ty cho tạm ngừng việc. Mặc dù không đi làm anh cũng được công ty trả lương ngừng việc như chị Loan. "Được đi làm ở TPHCM có tiền lương sinh sống và nuôi con là tốt rồi", anh Trường nói.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen, cho biết để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trước mắt công ty thông báo cho các công nhân đang ở tại khu vực TPHCM đi làm trở lại. Trong sáng 06.10.2021, có khoảng hơn 20% số công nhân của công ty (công ty có tổng cộng khoảng 56.000 công nhân) đang ở tại TPHCM đi làm theo thông báo của công ty và những công nhân này đều có xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Công tác phòng, chống dịch được công ty đặc biệt quan tâm. Trước khi vào xưởng các công nhân được đo thân nhiệt, kiểm tra việc đeo khẩu trang nghiêm túc. Công nhân được trang bị kính chống giọt bắn khi làm việc.
Do lực lượng công nhân đi làm chỉ khoảng hơn 20%, nên công ty bố trí, sắp xếp lại dây chuyền cho phù hợp.
Tại khu vực nhà ăn, phòng vệ sinh, công ty trang bị thêm nhiều dung dịch sát khuẩn, ngăn vách phòng ăn để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các công nhân.