Chật vật trong các khu nhà trọ, công nhân mong một căn nhà để an cư

Áp lực đủ thứ từ tiền thuê trọ, sinh hoạt trong một căn phòng chật hẹp, thiếu nhiều tiện nghi cơ bản... nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn mơ về một chốn an cư để lạc nghiệp.
Hiện nay ở nhiều khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc.
Nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như ổ chuột, nhiều người ở trong phòng vỏn vẹn có 10 - 12m2.
Chị Hà Thị Phượng, 27 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bắc Vinh (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) và chồng - anh Cường là tài xế xe ôm thuê phòng trọ chưa đến 10m2 trong con hẻm nhỏ ở xã Hưng Đông - TP Vinh.
Căn phòng được lợp tôn, nền cao hơn lối đi chung của dãy trọ, có gác xép, khu vệ sinh, tắm giặt khép kín. Cuối phòng là khu vực nấu ăn. Trên chiếc bàn nhỏ, chị Phượng đặt một bếp ga mini, lọ mắm muối, dưới là xô nhựa đựng gạo, mì tôm, rau quả được cho vào túi treo trên cao để tiết kiệm không gian.
Vợ chồng nữ công nhân nhiều lần bàn tính mua tủ lạnh, máy giặt hoặc tủ áo quần nhưng lại thôi vì không có chỗ để. Hồi tháng 6, 7 con gái 3 tuổi quấy khóc vì phòng quá nóng. Thương con nhỏ, anh chị quyết định mua 1 chiếc quạt hơi nước để phục vụ nhu cầu trong gia đình.
Sau gần 5 năm làm công nhân tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị Phượng tầm 11 triệu đồng. Nữ công nhân liệt kê, phí gửi trẻ 2 triệu, ăn uống mỗi ngày 150.000 đồng, mỗi tháng "bay" mất 4,5 triệu đồng, trả góp tiền xe 2,5 triệu đồng. Không ốm đau, đám tiệc, mỗi tháng chị còn 2 triệu đồng.
Với số tiền ít ỏi, gia đình không dám tìm phòng trọ lớn hơn, nên bằng lòng với chỗ ở hiện tại, mỗi tháng chỉ mất gần 1 triệu đồng bao cả điện, nước.
"Phòng nhỏ nhưng không bị ngập khi mưa lũ, cống không thối, nghẹt. Chủ nhà tốt bụng cho khất tiền nếu mình kẹt", anh Cường cho biết.
So với chỗ chị Phượng, phòng trọ chị Nguyễn Thị Tưởng (công nhân thuê trọ tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên), rộng hơn 2m2, tiền trả mỗi tháng cao hơn 300.000 đồng. Để tiết kiệm, chị ở ghép với một đồng nghiệp. Gần 6 năm vào làm công nhân tại khu công nghiệp VSIP tính cả tăng ca, thu nhập mỗi tháng chị khoảng 5,2 đến 7 triệu đồng.
Hiện nay, tại nhiều KCN như VSIP, Bắc Vinh,... trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có nhà trọ cho công nhân. Công nhân phải đi thuê nhà trọ ở trong nhà dân ở khu vực lân cận.
Giá thuê nhà từ 10 đến 12m2 và các công trình phụ trợ khác giao động từ mức 1 triệu đến 2,3 triệu đồng/tháng. Giá này so với mức thu nhập của người lao động làm việc ở các KCN khá cao. Tính tổng cộng cả tăng ca thì bình quân thu nhập của người lao động giao động từ mức 6-7 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó, tiền nhà trọ, cộng tiền điện với giá 3.000 đồng/KWh; tiền nước giá 13.000 đồng/khối… thì người lao động không đủ sống.
“Đề nghị tỉnh có chính sách xây dựng nhà trọ giá rẻ cho công nhân. Chúng em cũng đã đi lao động tại các tỉnh khác thì thấy hầu hết các tỉnh đều có nhà ở cho công nhân với các tiện ích như gần KCN, có chợ, các công trình công viên, sân thể thao…” chị Tưởng nói.
Trong cuộc đua mở rộng khu công nghiệp của các địa phương những năm tới, số lượng công nhân dự báo còn tăng nhanh. Song quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hầu như chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Nguyễn Trường Giang, Bộ Xây dựng là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn về nhà trọ. Nhưng hiện nay, quy chuẩn này vẫn chưa được ban hành.
Còn về chính sách hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp, luật đã có quy định hỗ trợ các dự án không thu tiền đất, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng như điện, nước…
Về quy hoạch, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch tổng thể 35 khu đô thị có nhà ở xã hội. Trong đó, có 7 dự án đã đưa vào hoạt động, 8 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; 20 dự án đã có trong quy hoạch. Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, Sở Xây dựng sẽ tham mưu quản lý chặt chẽ đầu tư nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.