Cần thiết khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế kinh tế tập thể theo định hướng XHCN

Báo cáo tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Trong vòng hơn 20 năm qua, nhất là giai đoạn 5 năm 2016-2020, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ban, ngành và các địa phương đã nghiêm túc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 13 và Luật Hợo tác xã (HTX) 2012 và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 13 và Luật HTX thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nghị quyết số 13 đặt ra mục tiêu 10 năm sau (đến năm 2010) là đưa kinh tê tập thể (KTTT), HTX thoát khỏi những yếu kém, tuy nhiên đến nay mục tiêu này mới cơ bản được hoàn thành (chậm 10 năm so với yêu cầu của Nghị quyết).
Tuy số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới tăng mạnh, nhưng số lượng HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt 24,5% tổng số HTX.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” với trọng tâm và mục tiêu quan trọng là xây dựng quan hệ sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đoàn kết, tương hỗ và phúc lợi xã hội (như bản chất vốn có của KTTT, HTX) trong nông thôn và làm cơ sở để sửa đổi Luật HTX, các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn tới, Chính phủ cần có các cơ chế chính sách và giải pháp đột phá, tháo gỡ các rào cản vướng mắc về đất đai, tín dụng; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ kinh doanh, bảo quản, chế biến sản phẩm cho khu vực KTTT, HTX nông nghiệp. Các bộ ngành, địa phương, các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện tốt các giải pháp đề ra; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển HTX nông nghiệp; thí điểm và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả phù hợp với các điều kiện vùng, miền địa phương…
Đại diện các Bộ, ngành địa phương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành cơ chế, đặc thù riêng cho phát triển KTTT, HTX đối với vùng núi, dân tộc, biên giới, bãi ngang, hải đảo, huyện nghèo khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...
Đồng thời, nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT, HTX thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo liên kết, thực hiện hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng phát triển HTX kiểu mới; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển KTTT, HTX; huy động các nguồn lực ở trong và ngoài nước hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về KTTT và HTX trong cả nước, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị liên quan từ cấp Trung ương đến địa phương...