Cấp thiết: Cần sửa đổi Luật Nhà Ở

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện, như: vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa...
Về lâu dài, bố trí nguồn chi ngân sách nhà nước trung hạn trong mỗi giai đoạn 5 năm để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Xem xét bổ sung danh mục chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho "Chi tái cấp vốn, cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở".
Nhờ đó, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra,
cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan.
Trong đó, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cần có chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư sao cho đa dạng về diện tích và chất lượng nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm thu nhập khác nhau.
Luật Nhà ở nên quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và "nhà ở giá phù hợp với thu nhập" của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp song vẫn đầy đủ tiện ích và dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, như nhiều nước đã thực hiện.
Lưu ý, ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn này chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện, đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Đề xuất Chính phủ bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển "nhà ở giá phù hợp thu nhập" cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn "vốn mồi" thực hiện chính sách này. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép một số ngân hàng thương mại lớn được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Địa phương cần tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội để có nhiều hơn dự án nhà ở xã hội được phê duyệt.