Cải thiện thể chế, môi trường, 'đón sóng' đầu tư từ doanh nghiệp FDI

Ngày 26/4/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề "Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội".
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành phố; đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và đặc biệt hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc Đổi mới.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện nhiều chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng, "các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ nắm bắt tốt các cơ hội lớn từ khơi thông những động lực phát triển này để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ cùng đất nước".
Đối với Bộ Ngoại giao, nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trụ cột của ngành Ngoại giao, trong đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Phát huy mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng và toàn diện, ngành ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong trong kết nối các địa phương và doanh nghiệp với các xu thế phát triển lớn của thế giới, cùng nắm bắt các thời cơ và vận hội để thực hiện khát vọng vươn lên của đất nước.
Thông qua Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kỳ vọng, các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, năm 2020 là một năm đầy sóng gió bởi đại dịch Covid-19 hoành hành đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái và đối mặt với vô vàn khó khăn. Cạnh tranh nước lớn gia tăng. Biến đổi khí hậu, thiên tai… ở nhiều nơi gây nên những hậu quả kinh tế, xã hội rất nghiêm trọng.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, năm 2020 được xem là năm thành công với những thành quả đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, là mức cao trong khu vực. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhanh nhất thế giới - tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng:
Mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước chưa như kỳ vọng.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; Còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn thấp và chưa thực sự bền vững…