top of page

Cả nước hiện có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19


Lao động thất nghiệp đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội tháng 6.2020. Ảnh: Trần Kiều

Tin tổng hợp: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,

Đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc, trong đó số lao động có việc làm cũng giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Đáng lo ngại, cả nước hiện có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH - thông tin, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động (LĐ) đã bị ảnh hưởng nặng nề. Số LĐ mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Hiện lực lượng LĐ thấp kỷ lục, LĐ có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Cũng theo ông Bình, tính đến tháng 6.2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 57,3% bị giảm thu nhập (tương đương 17,6 triệu người). LĐ khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. “Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng LĐ trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường LĐ sụt giảm” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục Việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 1,4 triệu người mất việc làm, trong đó LĐ mất việc do các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người.

Cứu doanh nghiệp, cứu lao động Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho hay, trong tháng 5, chưa bao giờ số DN thành lập mới lại ít hơn số DN rời thị trường. Theo Bộ LĐTBXH, để giảm bớt khó khăn cho thị trường LĐ, giúp NLĐ sớm tìm được việc làm, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, chủ động nắm bắt tình hình thị trường LĐ trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ DN trong trường hợp thiếu hụt nguồn LĐ, chuyên gia người nước ngoài; LĐ bị thôi việc, mất việc làm… Thứ hai, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu LĐ và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn LĐ đáp ứng yêu cầu DN....

Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN, sẽ triển khai theo 2 phương án:

Phương án 1, giảm một số điều kiện hưởng thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điểm a (đóng đủ BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ), Điểm d (có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo phương án được phê duyệt và không quá 6 tháng), Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm có doanh thu tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019 được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Phương án 2, tạm thời không thực hiện một số điều kiện hưởng (thuộc thẩm quyền của Quốc hội), theo đó, NSDLĐ tham gia BHTN buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19; có phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; có doanh thu từ đầu năm tính đến hết tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ giảm 30% so với cùng kỳ năm trước được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Năm 2020, nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng, DN khó khăn, áp lực này khiến NLĐ không tìm kiếm được việc làm, không có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Ngoài giải cứu DN, gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng đã hỗ trợ một phần nào đó. Tuy nhiên, gói giải cứu 62.000 tỉ đồng đối với hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện tốt nhưng với DN thì lại rất khó khăn. Rõ ràng, điều kiện để DN tiếp cận được với gói này rất ngặt nghèo. Chính phủ nên tháo gỡ khó khăn, làm sao để DN tiếp cận được các gói hỗ trợ giúp NLĐ không mất việc làm, có thu nhập, có nguồn thu cải thiện cuộc sống.

bottom of page