Công nhân về quê, doanh nghiệp khốn đốn

Tình trạng công nhân (CN) về quê chưa quay trở lại thành phố làm việc khiến nhiều doanh nghiệp tái sản xuất gặp khó khăn. Cần giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó phải bảo đảm an toàn dựa trên trụ cột y tế và an sinh... để thu hút CN sớm quay trở lại làm việc là các vấn đề được nêu ra.
Tuyển lao động thay thế, giảm lợi nhuận
Ngày 04.10.2021, anh Châu Trường Giang, CN Cty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TPHCM), vẫn ở quê (huyện Mỏ cày Nam, tỉnh Bến Tre) và chưa biết có quay trở lại TPHCM để làm việc hay không, dù anh đã về quê từ cuối tháng 7.2021.
Cùng là CN của Cty Nissei Electric Việt Nam, chị Trần Thị Kim Hương cũng phải về quê ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và hiện cũng chưa thể trở lại TPHCM để làm việc. Còn anh Trần Trọng Kim, CN Cty CP in số 7 (KCN Tân Tạo), dù nhà ở huyện Cần Đước, huyện Long An, cách Cty không xa, nhưng cũng chưa biết khi nào mới có thể đi làm trở lại.
Ông Phạm Thanh Trực - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) - cho biết:
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực.
Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP đã về quê, trong đó chủ yếu là về các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tình trạng CN về quê chưa quay trở lại làm việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Tấn Diệp - Chủ tịch CĐ Cty Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung 1, 2, TPHCM) - cho biết, bình thường Cty có khoảng 3.200 - 3.300 lao động. Do dịch bệnh bùng phát, Cty bắt buộc giảm xuống còn khoảng 1.600 CN đi làm theo phương thức “3 tại chỗ”. Số CN của Cty còn ở lại TPHCM đã vào làm hết, còn lại là số CN đã về quê. Do đơn hàng nhiều, CN lại về quê nên Cty phải đăng tuyển 500-600 lao động vào làm việc ngay với nhiều chính sách hấp dẫn.
Ông Nguyễn Minh Trung - Giám đốc Cty CP in số 7 - cho hay, do thiếu hụt lực lượng lao động và nhiều CN vẫn ở trong “vùng đỏ”, nên Cty phải tính toán, hoạt động phù hợp thực tế, trước mắt vẫn phải duy trì “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến” cho đến ngày 30.11, dù rất tốn kém.
“Công ty kiên trì, liên tục đưa ra giải pháp để thích ứng với thực tế, cố gắng đạt các mục tiêu như duy trì doanh nghiệp tồn tại và bảo toàn lực lượng lao động cho tương lai; chấp nhận và hạn chế thiệt hại (bao gồm cả tài lực và nhân lực) và xác định rõ giảm thị trường, giảm lợi nhuận ở mức tối thiểu nhằm bảo vệ nguồn lực” - ông Trung nói.
Còn ông Trần Tiến Phát - Tổng Giám đốc Cty CP Datalogic (Khu công nghệ cao TPHCM) - thì cho biết
Mặc dù có đến 50% CN của Cty làm việc “3 tại chỗ”, nhưng năng suất chỉ đạt 30% vì có nhiều nhân sự chủ chốt không thể đến Cty làm việc.
Phải bảo đảm an toàn cho công nhân làm việc
Tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thống nhất rằng để nhanh chóng thu hút NLĐ quay trở lại làm việc, cả chính quyền, doanh nghiệp cần chung tay bảo đảm các điều kiện an toàn cho NLĐ. Trong đó,
Trụ cột là vấn đề về y tế thông qua nhanh chóng tiêm vaccine đầy đủ cho NLĐ.
Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - đề nghị mỗi doanh nghiệp cần có một tủ thuốc điều trị cho F0, phòng cách ly F0, chuẩn bị nhân viên y tế, trang thiết bị y tế như máy đo nồng độ ôxy SpO2, bình ôxy...
Tình hình thực tế tại TPHCM vừa qua cho thấy, NLĐ ở tại các khu nhà trọ dân sinh bị lây nhiễm COVID-19 nhiều nhất do phòng trọ chật hẹp, không gian không thoáng đãng. Do đó, về lâu dài, Nhà nước và doanh nghiệp phải có cơ chế và đầu tư nguồn lực để xây dựng các khu nhà ở đủ chuẩn để phòng chống dịch bệnh cho NLĐ.
Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - cho rằng:
Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng;
Để khôi phục nguồn nhân lực, nhất là người có tay nghề, vị trí kỹ thuật, phụ trách chuyên môn... thời gian gấp 3 lần.
Để NLĐ an tâm quay trở lại làm việc, doanh nghiệp cần phối hợp với tổ chức CĐ tuyên truyền, vận động NLĐ và cả gia đình họ.
Còn theo ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, chính quyền TPHCM và doanh nghiệp cần có chính sách ngắn hạn hỗ trợ CN ở trọ khi trở lại làm việc, như hỗ trợ tiền thuê trọ, nhu yếu phẩm trong thời gian chờ lãnh lương tháng đầu tiên khi đi làm lại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ CNLĐ theo các Nghị quyết 68/2021/NQ-CP, Nghị quyết 116/2021/NQ-CP để người thụ hưởng có khoản tiền tiêu trong lúc khó khăn.