top of page
  • Writer's pictureNBCN

Công nhân từng ngày mong con được đến trường


Chị Bùi Thị Thơm phải nghỉ việc để ở nhà trông các con, bởi các trường hiện vẫn đóng cửa. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên không có việc làm thì phụ huynh là công nhân lao động cũng rất vất vả. Nhiều trường hợp phải bỏ con nhỏ ở nhà trong tâm lý bất an. Họ mong từng ngày cho con được đến trường để yên tâm tham gia lao động sản xuất.

Nữ công nhân nghỉ việc, ở nhà trông 4 trẻ

20 tuổi, chị Bùi Thị Thơm rời quê (Đại Từ, Thái Nguyên) xuống Hà Nội làm công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). 10 năm làm công nhân, lấy chồng rồi sinh 2 con. Mọi việc đang êm đềm thì đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khiến các trường đóng cửa, con trẻ không đi học nên chị Thơm xin nghỉ việc ở nhà trông 2 con của mình và 2 con hàng xóm gửi…

Sáng 08.11, chúng tôi tới phòng trọ của gia đình chị Bùi Thị Thơm tại khu nhà ở công nhân (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Mở cửa phòng đón khách, theo sau chị Thơm là 4 đứa trẻ lít nhít ùa ra, chào khách rối rít… Chị Thơm cho biết: “Nhà em chỉ có 2 đứa (lớn 7 tuổi - học lớp 2, bé 3 tuổi - học mầm non), 2 đứa còn lại (6 tuổi và 3 tuổi) là con nhà hàng xóm - hai vợ chồng cũng làm công nhân khu công nghiệp, do không có người trông con nên nhờ em trông đỡ từ tháng 5.2021 đến nay”.

Hằng ngày, cứ 7h30, hàng xóm mang con sang gửi. Từ đó đến cuối chiều, chị Thơm “quay cuồng” với 4 đứa trẻ.

“Em tranh thủ dạy hai đứa lớn làm bài tập lớp 1, lớp 2; hai đứa bé tự chơi - liên tục chí choé, tranh giành đồ chơi, khóc lóc um nhà, rồi còn việc lo ăn, ngủ… khiến em rất ức chế, mệt mỏi, căng thẳng” - chị Thơm nói. Hiện nay, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chị Thơm đều trông vào đồng lương của chồng chị là anh Phạm Xuân Tùng - cũng là công nhân khu công nghiệp.

“Lương của chồng em hơn 10 triệu đồng/tháng, cả nhà ăn tiêu, chi trả các khoản như tiền thuê nhà, tiền điện, nước... nên không có khoản tích luỹ nào” - chị Thơm cho hay.

Cũng theo chị Thơm, cuối tháng 10.2021, chị và các vị phụ huynh đã đến Trường Tiểu học xã Kim Chung để dọn vệ sinh trường, lớp… những tưởng các con được đi học trở lại, nhưng do lại có ca COVID-19 nên hiện tại bọn trẻ vẫn ở nhà.

Anh Hà Doãn Du (công nhân Công ty Canon, Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - là hàng xóm và gửi 2 con nhờ chị Thơm trông giúp, cho biết: “Chúng tôi mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có phương án khả thi nhất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa mở cửa trường học để đón học sinh quay trở lại học tập. Chỉ khi các con được đi học trở lại thì cha mẹ mới yên tâm lao động sản xuất, không phải đau vì việc trông con”.

Cũng theo anh Du, nếu không có chị Thơm trông con giúp thì vợ chồng anh phải tính đến phương án một người nghỉ việc để ở nhà trông con.

Khổ phụ huynh, khổ cả giáo viên

Tại Bình Dương, cho đến thời điểm này, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo dục mầm non vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) có học sinh chủ yếu là con công nhân.

Ông Đỗ Văn Phùng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trước đó trường đã gặp khó khăn do lượng học sinh giảm. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, hơn 4 tháng, trường phải tạm dừng hoạt động. Giáo viên không có việc làm, không có thu nhập. Một số giáo viên phải đến nhà phụ huynh giữ trẻ để có chi phí sinh hoạt. Cô Nông Thị Lan (32 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ) là một trong những giáo viên gặp nhiều khó khăn khi chưa được đi làm trở lại:

“Lương giáo viên mầm non tư thục thấp nên đời sống eo hẹp. Mong mãi được đi làm trở lại, nhưng đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát mà trường vẫn chưa hoạt động. Để có thể bám trụ lại ở Bình Dương, tôi phải đến tận nhà trông trẻ cho phụ huynh để có thu nhập sống qua ngày”.

Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên không có việc làm thì phụ huynh là công nhân lao động cũng rất vất vả. Nhiều trường hợp phải bỏ con nhỏ ở nhà trong tâm lý bất an.

Ngày 08.11, chị Đoàn Thị Báu (quê Bình Định) đến nhà máy làm việc, nhưng trong lòng vẫn còn lo lắng cho con nhỏ ở phòng trọ. Chị Báu cho biết, một mình nuôi 2 con ăn học, bình thường đã rất khó khăn, từ lúc dịch bệnh bùng phát lại càng khó khăn hơn.

“Cháu lớn tự mày mò học online bằng điện thoại, cháu nhỏ chơi với anh. Để có phương tiện học tập này tôi phải mượn tiền họ hàng ở quê gửi vào. Năm học này chúng tôi rất vất vả, vừa thiếu ăn do dịch bệnh kéo dài, vừa lo tiền mua sách vở, điện thoại và đăng ký 3G cho các cháu học. Giờ chỉ mong trường học mở lại, các con được đến lớp để giảm bớt chi phí và hiệu quả học tập tốt hơn” - chị Báu chia sẻ.

Khảo sát một vòng các khu trọ gần KCN Mỹ Phước, TX Bến Cát, rất nhiều trẻ nhỏ con công nhân lao động ở phòng trọ vạ vật ngồi chơi. Một nhà trọ ở đường CX7, P.Mỹ Phước, TX Bến Cát có 3 trẻ được bà Bùi Thị Hà (50 tuổi, quê Bình Định) trông nom. Gần đó, anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, quê Hòa Bình) đang dặn dò cháu lớn học lớp 4 và con gái học mẫu giáo ở nhà trọ bảo ban nhau học tập.

“Tôi làm công nhân kỹ thuật, mỗi ngày đi các cơ sở để kiểm tra hàng hóa nên tranh thủ ít phút về xem các cháu học tập ra sao. Con học thường hay rớt mạng, nếu không vào lại được thì các cháu ngồi chơi cả buổi” - anh Biện cho biết.

bottom of page