top of page
  • Writer's pictureNBCN

Công nhân: "Phương tiện giải trí duy nhất là chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền"


Căn phòng trọ của một nữ công nhân ở Hà Nội. Ảnh: Minh Hương

Công nhân tỉnh lẻ chắt bóp từng đồng, căn ke từng khoản chi, không vui chơi, giải trí để có chút tiền gửi về cho gia đình. Với phần lớn công nhân, phương tiện giải trí duy nhất sau cả ngày làm việc chỉ là chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền...


Co kéo các khoản chi

Năm 2020 và 2021, lương tối thiểu của người lao động không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của người lao động giảm khoảng 10% so với năm 2019. Người lao động đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày.

Theo ghi nhận của PV, “công nhân không chỉ nghèo vật chất mà còn đói tinh thần”. Sau 8-12 tiếng làm ở công ty trở về phòng trọ, điều họ mong chờ nhất là được ngủ vùi.

Chẳng nghĩ đến việc ăn uống, chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền phóng xe máy từ công ty về phòng trọ sau giờ tan ca đêm. Làm đêm về mệt lại không quen ăn sáng, chị Huyền sẽ ngủ đến trưa rồi mới nấu cơm.

Từ Nghệ An ra Hà Nội làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Huyền ở một mình được 6 năm. Nữ công nhân thuê trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh), căn phòng có diện tích khoảng 10m2 chỉ đủ kê giường, bếp gas, giá 500.000 đồng/tháng.

Lấy chồng 10 năm, chị Huyền có 6 năm phải xa gia đình. Chị có cậu con trai năm nay học lớp 4, đang ở quê cùng bố và ông bà nội. Thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng (nếu được tăng ca), chị Huyền cho biết, phải co kéo lắm mới để ra được 3-4 triệu đồng gửi về cho con. Ngồi trước mâm cơm có thịt kho đậu phụ và rau muống luộc, chị Huyền tâm sự, ăn chẳng thấy ngon, sống một mình ở nơi xa lạ, ban đầu chị khá tủi thân “vì thấy cực nhọc, nhớ chồng con nhưng bất lực”.

Quen với sự buồn chán

Quê ở tỉnh Bắc Giang nhưng chị Nguyễn Thị Dương - công nhân một công ty thuộc Khu công nghiệp Đình Trám (tỉnh Bắc Giang) vẫn phải thuê trọ để đi làm việc. Xa chồng, con nên cuộc sống của nữ công nhân này không khác gì một người độc thân.

Để có được mức thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng, chị Dương phải làm thêm tất cả các ngày trong tuần và cả chủ nhật. Nếu làm ban ngày, buổi sáng, chị Dương ăn tạm gói xôi hoặc chiếc bánh mì rồi vào công ty làm việc. 20 giờ tối chị mới về đến nhà. “Về muộn, có hôm tôi nấu ăn, có hôm không. Tôi hay mua đồ ăn dọc đường, về nhà ngủ sớm để hôm sau bắt đầu một vòng quay mới” - chị Dương kể. Nếu làm đêm, chị Dương đi từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau mới tan ca. Trên đường về phòng trọ, chị mua thức ăn sáng.

Phòng trọ không có tivi, phương tiện giải trí duy nhất chị Dương có là chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền - chị thường dùng để nói chuyện với chồng con, xem phim, lướt mạng xã hội.

Đã từ rất lâu, nữ công nhân không đọc sách hay xem một bộ phim ngoài rạp. Nhớ chồng con, chị tranh thủ đi xe máy về buổi chiều (quê chị cách nơi làm việc khoảng gần 50km) rồi sáng hôm sau chạy xe sớm đi làm. Đã quen với nhịp sống này, chị Dương không cảm thấy quá buồn chán. Chị bảo, mục đích chính khi phải xa chồng con là phải kiếm được nhiều tiền lo cho gia đình, nhất là cho con ăn học, nên dù khó khăn, thiếu thốn đều không quản...

bottom of page