Công nhân; Mong tăng ca mới có Tết

Những tháng cuối năm, chị Hà Thị Trang - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long - mong muốn được tăng ca nhiều để có Tết chu đáo hơn. Hơn một năm qua, chồng chị không có việc làm, còn bản thân phải ngưng việc, vì vậy với nữ công nhân này, được tăng ca mới có Tết vui vẻ.
Trăm thứ phải chi tiêu
Mùi thức ăn thơm lừng từ căn phòng nhỏ của chị Hà Thị Trang (quê Tuyên Quang) lan ra khắp xóm trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND xã Kim Chung Lê Thị Vân Huyền, địa bàn xã có 29.000 nhân khẩu với khoảng trên 16.000 công nhân tạm trú.
Và chị Trang là 1 trong hàng nghìn công nhân đang thuê trọ tại đây.
Người phụ nữ trẻ này, ngoài việc lo cho 2 con còn nhỏ, chồng không có việc làm, còn phải lo cho mẹ già ốm yếu.
Trong căn phòng 15m2, hai người con đang nô đùa, tự trông nhau để bố nấu cơm tối. Còn chị Trang thì đưa mẹ ruột đến bệnh viện khám lại sức khoẻ sau cuộc phẫu thuật u tuyến giáp vài ngày trước.
Không thể để mẹ nằm lại viện do kinh tế hạn hẹp, chị Trang đành “lực bất tòng tâm” đưa mẹ về nhà rồi mỗi ngày đưa đón bà đi rửa vết mổ. Theo đó, cứ buổi chiều tan làm lúc 4 giờ, chị sẽ nhờ chồng trông các con rồi đưa bà đến bệnh viện kiểm tra. 2-3 tiếng sau sẽ quay lại đón mẹ về. Số tiền chữa bệnh cho mẹ, chị cũng phải xoay xở, vay mượn đủ kiểu mới đủ.
Tốt nghiệp cấp 3, chị Trang xuống Hà Nội xin đi làm công nhân được 6 năm. Chồng chị làm nghề tự do, hơn 1 năm nay không có việc làm, mọi chi tiêu đều đổ dồn lên vai người vợ.
.Với mức lương chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng mỗi tháng, đợt dịch vừa qua, chị Trang chỉ nhận được 20% lương. Khó khăn quá, chị chỉ còn cách vay mượn người thân, bạn bè. “Song họ đều không thể cho vay lâu, tôi phải vay chỗ nọ, đập chỗ kia để duy trì cuộc sống. Cũng may bây giờ đã được đi làm trở lại” - chị Trang cho biết.
Khi được hỏi đi làm vậy có để dư được đồng nào không, nữ công nhân 25 tuổi trả lời dứt khoát:
“Không. Chỉ đủ thôi, có khi còn thiếu”.
Do vậy, ước mong lớn nhất hiện tại là chị được đi làm đều đặn, tăng ca nhiều hơn để lo liệu khi Tết đến. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng
Chừng ấy thu nhập lo cho cả nhà, chị Trang cũng nghĩ đến chuyện làm thêm. Nhưng con nhỏ, mẹ lại ốm đau liên miên, một mình chị không thể xoay xở được.
Chị đã nhờ chồng từ quê xuống Hà Nội để trông con và tính cả chuyện xin việc cho chồng tại Khu Công nghiệp Thăng Long. Nhưng “khổ nỗi ở đây ít tuyển công nhân là nam lắm. Nếu xin được việc thì vợ chồng có cơ hội được gần nhau mà khó quá” - chị Trang nói.
Trong căn phòng bày la liệt đồ đạc, gia đình 5 người sống chen chúc nhưng quây quần, đầm ấm.
Ngoài chiếc giường được kê ở góc tường, ở gần lối cửa ra vào, cặp vợ chồng trẻ đặt thêm chiếc nệm phía dưới. Chiếc nệm vừa là nơi nằm ngủ của 3 bà cháu, chỗ vui chơi của bọn trẻ vừa là chỗ ăn uống của cả gia đình.
Dù muốn thuê căn phòng “xịn” hơn nhưng với thu nhập ít ỏi hiện tại thì vượt quá khả năng của chị Hà Thị Trang:
“Tiền thuê phòng tốt hơn còn chưa có, việc mua nhà tôi chưa dám nghĩ đến”.
Cuộc sống vất vả là vậy nhưng trên khuôn mặt chị Trang luôn thường trực nụ cười. Hỏi về nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai, hai vợ chồng có bao giờ cãi nhau không, chị Trang bật cười: “Có chứ. Gia đình cãi nhau chủ yếu vì tiền thôi. Khi nào trong nhà hết tiền, không xoay ở đâu được là tôi lại "trút giận" lên chồng”. Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - dẫn thống kê về dân số và nhà ở cho biết, hiện hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca.
Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy. Công nhân phải chấp nhận ở thuê trong các phòng trọ rất chật hẹp, diện tích chỉ 2-3m2 mỗi người.