top of page
  • Writer's pictureNBCN

Công nhân: Mong tăng ca cuối năm để có…Tết


Công nhân ở nhà trọ tâm tư vấn đề thưởng Tết, tăng ca dịp cuối năm. Ảnh: Đặng Luân

Nhiều công nhân nhà trọ gần Khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng đều cho rằng, nếu không tăng ca, thu nhập hiện tại của họ không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Chấp nhận tăng ca triền miên để nuôi cả gia đình

Trở về phòng trọ sau 12 tiếng làm việc liên tục, anh Nguyễn Tư Duy (30 tuổi, quê Lạc Thủy, Hòa Bình) - công nhân (CN) Khu công nghiệp (KCN) An Dương, Hải Phòng - với gương mặt bơ phờ, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chị Đàm Thị Bốn - vợ anh Duy - cho biết, cả 2 vợ chồng đều là CN KCN An Dương, nhưng sau khi sinh con, chị Bốn phải xin nghỉ để ở nhà trông con nhỏ, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của anh Duy.

“Đã nhiều tháng nay, chồng tôi liên tục tăng ca, làm việc 26 ngày công/tháng, mỗi ngày làm thêm từ 4-5 tiếng. Vậy mà tiền lương hơn 10 triệu đồng/tháng cũng chỉ tạm đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, dành dụm chút ít phòng khi ốm đau” - chị Bốn tâm sự.

“Được” tăng ca như anh Duy là niềm mơ ước của nhiều CN cùng xóm trọ. Anh Ngô Kim Mẫn (33 tuổi, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa), hiện là CN KCN Nomura, Hải Phòng cho hay, đã từ lâu, công ty (Cty) anh Mẫn làm việc không huy động làm thêm giờ. Ngày làm việc 8 tiếng, mỗi tháng, thu nhập của anh Mẫn là 6 triệu đồng.

“Với mức thu nhập này, lo hàng chục khoản chi phí hằng tháng còn khó khăn nên từ lâu, vợ chồng tôi không để ra được khoản tiết kiệm để gửi về quê biếu bố mẹ. Sắp tới đây nếu có con, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn, có thể phải tìm công việc khác” - anh Mẫn tâm sự.

Cũng như anh Mẫn, chị Nguyễn Thị Giang (29 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An) - CN KCN Nomura) “tha thiết” được Cty bố trí làm thêm. 10 năm kể từ ngày ra TP.Hải Phòng làm CN, năm 2020 là năm khó khăn nhất với chị Giang khi công việc, thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể. Đến thời điểm này, mặc dù Cty dần phục hồi sản xuất nhưng công việc không nhiều nên hầu như không bố trí tăng ca.

“Con vào lớp 1 là thêm nhiều khoản phải chi, chưa kể chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là Cty có thêm việc để NLĐ được tăng ca, cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn” - chị Giang nói.

Trông chờ tiền thưởng Tết

Cùng với mong muốn được làm thêm giờ để nâng cao thu nhập, thời điểm cuối năm, mối quan tâm lớn nhất của người lao động là tiền thưởng Tết. Anh Ngô Kim Mẫn cho biết: “Năm trước, tôi được thưởng 1,5 tháng lương vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay mặc dù chưa có thông báo về việc thưởng Tết nhưng phần lớn CN đều mong được giữ nguyên mức thưởng như mọi năm để có tiền về quê đón Tết với gia đình”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Vân (35 tuổi, quê Thái Bình) - CN KCN Nomura - dự kiến năm nay, mức thưởng Tết giảm hơn so với năm ngoái. “Năm nay, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chúng tôi cũng rất chia sẻ với Cty. Chỉ mong Cty vẫn duy trì thưởng Tết cho CN, mặc dù có ít hơn năm trước nhưng đó vẫn là sự động viên lớn để NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài”.

Liên quan đến vấn đề thưởng Tết của người lao động (NLĐ), tại họp giao ban trực tuyến LĐLĐ TP.Hải Phòng chiều 7.12, bà Đinh Thị Thúy Hà - Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng - cho hay, qua nắm bắt tình hình, nhiều DN trong KCN dự kiến mức thưởng Tết giảm so với năm trước. Hiện tại, CĐ Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo CĐ cơ sở tiếp tục thương lượng, đề xuất người sử dụng lao động bố trí nguồn thưởng Tết cho NLĐ, hạn chế mất ổn định quan hệ lao động dịp cuối năm. Cùng với đó, đề xuất doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện, tình hình sản xuất kinh doanh để phối hợp CĐ các cấp tổ chức hoạt động Tết Sum vầy, chuyến xe đưa CN về quê ăn Tết, đón CN trở lại làm việc sau Tết; thăm, tặng quà CN hoàn cảnh khó khăn, CN tỉnh xa, CN nhà trọ không có điều kiện về quê đón Tết…

bottom of page