top of page
  • Writer's pictureNBCN

Công nhân chạy xe ôm trong lúc nghỉ chờ việc


Nếu không làm các công việc thời vụ, tạm thời trong thời gian chờ việc, công nhân chỉ còn cách ngủ vùi trong phòng trọ. Ảnh: Hạnh Thư.

Chạy xe ôm, bán hàng online, xin làm thời vụ ở công ty khác… là một số công việc mà công nhân tại khu công nghiệp làm thêm trong lúc nghỉ chờ việc.


Tính đến nay, chị Cao Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ) làm công nhân tại KCN Thăng Long đã được 1 năm. Mức lương cơ bản của chị Nhung là 4,2 triệu đồng/ tháng. Nếu tính thêm các loại phụ cấp, một tháng chị Nhung cũng kiếm được khoảng 4,6 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền lương này không thấm là bao để chị chi trả mọi chi phí sinh hoạt. Tiền thuê trọ, điện, nước… của chị đã mất 1,1 triệu đồng.

Khoảng 1 tháng gần đây, công ty ít việc, chị Nhung bị cho nghỉ việc ở nhà với mức lương hỗ trợ gần 2 triệu đồng/tháng.

“Cứ tiếp tục như vậy thì không sống được.

Thời buổi giá cả gì cũng tăng. Không có việc, lương chỉ có vài đồng nên sắp tới tôi sẽ nghỉ việc ở đây, xin làm công nhân ở khu công nghiệp khác để xem thu nhập có khá hơn”, chị Nhung ngậm ngùi.

Trước đó, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Nhung đi làm phục vụ cho nhà hàng. Với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng đã bao gồm chi phí ăn, ở, chị Nhung làm công việc này được hơn 1 năm.

Chán cảnh lương thấp, xa quê, lại có người anh trai đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long từ trước, chị Nhung nghỉ việc, về quê xin làm công nhân.

Cũng xin làm công nhân ở một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh Hà Nội được hơn 6 tháng, anh L.V.B (SN 2002, Thanh Hóa) liên tục bị giảm giờ làm 2 tháng gần đây.

Khi công ty nhiều việc, thu nhập của anh được gần 8 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại, anh đã phải tìm công việc khác để cải thiện thu nhập.

Theo anh B, bắt đầu từ ngày 17.12.2022, công ty anh cho công nhân nghỉ làm vì không có đơn hàng. Công ty sẽ dồn phép năm 2022 của người lao động vào những ngày nghỉ đó.

Ngoài phép năm được hưởng nguyên lương, những ngày nghỉ còn lại, người lao động sẽ không có bất kỳ hỗ trợ gì.

“Tháng trước, lương của tôi được 4,6 triệu đồng. Đầu tháng mới nhận lương thì vẫn ăn cơm, còn 1 tuần cuối tháng coi như chúng tôi chỉ ăn mì tôm, uống nước chè qua bữa” - anh B chia sẻ.

Anh B cũng tâm sự, vì thời gian nghỉ việc quá lâu nên công ty anh đã có công nhân xin nghỉ việc.

"Ban đầu việc chạy xe ôm chỉ để chống đỡ lúc không có việc làm. Khi công ty chuẩn bị cho nghỉ dài ngày, không hưởng lương nên vài người đã xin nghỉ hẳn, chuyển sang chạy xe ôm cả ngày", anh B nói.

May mắn hơn anh B, chị L.H.T (SN 1995, Hà Tĩnh) nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng 70% mức lương cơ bản trong tháng 10 và tháng 11.

Thời gian nghỉ việc, chị T cũng tìm đến những công việc thời vụ, tạm thời với hy vọng kiếm thêm tiền, trang trải cuộc sống.

"Tôi tìm trên trang tuyển dụng công nhân thời vụ trên Facebook để xin việc. Công nhân thời vụ làm ngày nào sẽ được lĩnh tiền đến đó và không có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào khác. Nhưng chí ít còn có đồng ra, đồng vào, ở nhà buồn lại không có tiền tiêu Tết", chị T chia sẻ.

Đầu tháng ăn cơm, cuối tháng uống trà đá ăn mì tôm qua bữa

là tình trạng mà nhiều công nhân như chị Nhung, anh B, chị T... hiện nay đang phải vật vã để vượt qua.

Tiền tiêu Tết trong quan điểm của nhiều người là có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, nhưng với những công nhân phải lo cơm từng bữa, Tết năm nay với họ khó khăn chồng khó khăn...

bottom of page