Công an TPHCM khẳng định người dân không "bom hàng" đi chợ hộ - Vậy thì ai tung tin, để làm gì?

Chiều ngày 08/9/2021, tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM khẳng định, qua rà soát các công ty vận chuyển hàng (shipper) không phát hiện có tình trạng "bom hàng".
Theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian qua, báo chí đưa nhiều tin, bài phản ánh tình trạng người dân "bom hàng" đối với lực lượng đi chợ hộ, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Công an TPHCM đã rà soát các công ty vận chuyển hàng (shipper), qua đó không phát hiện có tình trạng "bom hàng".
Tiến hành kiểm tra, xác minh tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phát hiện có tình trạng đơn hàng không giao nhận được tại thành phố Thủ Đức và các quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú.
Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức làm việc với hơn 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và những người quản lý app, đường link, người đi chợ hộ.
Nguyên nhân được xác định là do người dân không rành công nghệ, khi thao tác thì trùng đơn, không biết hủy và dữ liệu không chính xác, tìm không ra địa chỉ.
Người dân đặt nhưng hệ thống không cập nhật kịp, nên trao đổi không rõ. Ngoài ra, có trường hợp để đơn hàng quá lâu, người dân từ chối.
Có trường hợp liên quan đến việc cung cấp không đủ hàng nên người dân từ chối. Ví dụ như đặt mua nguyên con gà thì giao cánh hoặc đùi nên người đặt không nhận. Có trường hợp giao hai lần nên người dân từ chối.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TPHCM, Công an TPHCM sẽ tiếp tục yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ các trường hợp liên quan. Đặc biệt,
Tập trung xác minh một số trường hợp nghi vấn quấy rối để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thông tin về kênh phân phối hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, hiện có khoảng 83.529 hộ được cung ứng hàng hóa thông qua hình thức “đi chợ hộ”, tỷ lệ đạt 101,2% số hộ đăng ký. Tuy nhiên, tỷ lệ có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây do người dân còn nhiều giải pháp đi chợ thay thế; đồng thời kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền TPHCM, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát. TPHCM hiện có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động; bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa.
Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân.