Các quy định "Zero COVID", và "Sống chung với COVID-19" vẫn đang kình chống nhau

Đại diện Bộ Y tế khẳng định: Đối với một doanh nghiệp khi phát hiện có trường hợp F0 thì chỉ cần thực hiện theo các bước hướng dẫn của cơ quan y tế là có thể đưa lực lượng mới trở lại làm việc bình thường sau 24h.
Thích ứng linh hoạt và an toàn
Sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19", 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gửi Chính phủ, cho rằng nhiều quy định chưa phù hợp với chủ trương "sống chung với dịch", làm ảnh hưởng tới kinh tế.
Theo các hiệp hội, dự thảo của Bộ Y tế đưa ra khá rõ ràng với 5 chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Từ đó đưa đến nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID", chứ chưa hoàn toàn "sống chung với COVID-19", nên chưa phù hợp. Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.
Ngoài ra, hiện nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc “nếu doanh nghiệp có F0, F1 trong nhà máy thì có bị phong tỏa toàn bộ hay đóng cửa không?” và đề nghị trong hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19" cần phải nêu rõ vấn đề này.
Thông tin về các nội dung trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2021 diễn ra chiều 02.10.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong tình hình mới là thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, vừa mở cửa phát triển kinh tế với điều kiện có lộ trình và đảm bảo an toàn trong sản xuất, an toàn trong công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã ban hành dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
“Chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, ngành trung ương, thành viên ban chỉ đạo và sớm hoàn thành. Hiện đúng là có một số doanh nghiệp cũng còn nhiều băn khoăn. Nhưng chúng tôi đã nhiều lần cùng với đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI để lắng nghe ý kiến.
Đối với các doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở một phân xưởng thì chúng tôi hướng dẫn là chúng ta không phải đóng cửa cả nhà máy, mà chúng ta khoanh vùng phân xưởng, đưa trường hợp F0 đi cách ly điều trị y tế. Tiến hành sàng lọc đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tiến hành khử khuẩn phân xưởng.
Sau 24 giờ, có thể đưa lực lượng mới, được kiểm soát, quay trở lại làm việc. Đồng thời tiến hành tiêm chủng mở rộng ở phân xưởng đó để doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Việc này Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai tại Bắc Ninh và đã thực hiện tốt”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin.
Có thể sẽ có chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 15, 16
“Trong trường hợp hướng dẫn 'Thích ứng an toàn với dịch COVID-19' được ban hành, liệu có bãi bỏ Chỉ thị 15, 16 hay không?” – đây cũng là thông tin được đại diện Bộ Y tế thông tin tại buổi họp báo.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đối với Chỉ thị 15, 16, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành Trung ương đang tiến hành rà soát, đánh giá lại. Với tình hình dịch bệnh hiện nay trong điều kiện mới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và tham mưu để có báo cáo cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 15, 16.