top of page
  • Writer's pictureNBCN

Bao giờ vấn đề nhà ở cho giai cấp công nhân hết bị ‘bỏ quên’ như nửa thế kỷ qua?


Ảnh minh họa

Nhà ở cho giai cấp công nhân hiện mới đáp ứng được 41% nhu cầu. Nhiều giải pháp xây nhà ở công nhân đã được các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đưa ra, với kỳ vọng phân khúc này không còn bị "bỏ quên" như thời gian nửa thế kỷ qua.


Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350ha.


Thiếu nhà ở công nhân


Việc thiếu nhà ở cho công nhân được càng bộc lộ rõ khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 hoành hành tại các vành đai công nghiệp phía Nam.

Theo ước tính của các địa phương này, có tới khoảng hơn 1,3 triệu công nhân đã rời về quê.

Còn tại một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang trong đại dịch cơ bản giải quyết được phần lớn chỗ ăn ở, làm việc cho công nhân ngay trong các khu công nghiệp. Điều này cho thấy, nhà ở cho công nhân có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội và “an cư lạc nghiệp” cho công nhân.


Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện đang là vấn đề cấp bách, không chỉ tại các khu công nghiệp phía Nam, mà còn cả các khu công nghiệp phía Bắc.


Theo thống kê của Sở Xây dựng Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, các tỉnh này có số lượng khu công nghiệp khá lớn, nhưng tỷ lệ các khu công nghiệp có nhà ở công nhân đếm trên đầu ngón tay. Riêng tỉnh Bắc Giang có số lượng nhà ở công nhân cao hơn.


Cụ thể, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang chia sẻ, tỉnh này hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng số khoảng 238.000 công nhân. Trong đó, công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 124.000 người (khoảng 52%); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...


Tuy nhiên, hiện mới có 2 dự án nhà ở công nhân, có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch, 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6ha, đáp ứng cho khoảng 59.825 công nhân.

Ông Hùng cho biết, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận.


Về nguyên nhân thiếu nhà cho công nhân, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), là do

Chưa có chính sách riêng về nhà ở cho giai cấp công nhân mà vẫn đang được coi là một trong những đối tượng chung của nhà ở xã hội.

Cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi doanh nghiệp lo cho nhà ở công nhân được tính toán vào giá thành. Nhưng ưu đãi này không đi vào cuộc sống, bởi hiện nay, doanh nghiệp chưa phải là đối tượng mua nhà ở công nhân cho mình.


Cơ chế vay vốn, thuế hầu như chủ đầu tư không được áp dụng, bởi những ưu đãi này không tính vào giá thành nên chỉ có khách hàng hưởng thụ, chứ chủ đầu tư chưa được hưởng.


Ngoài ra, việc lựa chọn chủ đầu tư còn bất cập. Luật Nhà ở quy định, chỉ định chủ đầu tư là một trong 3 doanh nghiệp: kinh doanh hạ tầng, sản xuất khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản. Nếu xuất hiện 2 loại doanh nghiệp thì chỉ định cho ai thì Luật không quy định.


Khơi thông "điểm nghẽn" chính sách


Theo ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), hiện không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình nhà ở công nhân do giới hạn về lợi nhuận dự án, giới hạn về đối tượng khách hàng, trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này…


Mặc dù nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân nói riêng, nhưng một số đơn vị như HUD, Viglacera vẫn quan tâm và đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội. Điều này không chỉ là trách nhiệm thực hiện các chủ trương chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở của Đảng, Chính phủ và của Bộ Xây dựng, mà còn thực hiện vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong các chính sách an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu an cư cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.


“HUD đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cán mốc triển khai 1 triệu m2 nhà ở xã hội tương đương với khoảng hơn 11.000 căn hộ mang thương hiệu HUD, trong đó có một tỷ trọng đáng kể là nhà ở phục vụ công nhân”, ông Ân nói.


Còn ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP cho biết, vẫn còn điểm nghẽn gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp. Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ, nhưng qua khảo sát, có đến 80 - 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100.000 công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10.000 người, còn lại hơn 90.000 công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được thuê do còn vướng chính sách.


Trước các khó khăn này, giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng, trước tiên cần hoàn thiện thể chế. Mặc dù đã sửa đổi Nghị định 49, tuy nhiên vẫn còn một số Luật như Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Đầu tư cần sửa đổi.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định ưu đãi nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân phải thực chất hơn. Bộ Xây dựng cần đề xuất gói tín dụng, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 100.000 tỷ đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động 10.000 tỷ). Đồng thời, cần tăng cường quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bố trí đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. UBND các tỉnh, địa phương cần đưa chỉ tiêu nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.


Đối với chính sách cho công nhân thuê, đại diện Bắc Giang đề xuất, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án. Công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, cần đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu. Trong đó, các doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.


“Vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng, chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay”, ông Ngọc Anh nói.

bottom of page