top of page
  • Writer's pictureNBCN

Bộ Luật Lao Động 2019 Bị Cản Trở Khai Triển Chỗ Nào?


Ảnh minh họa

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế càng lớn mạnh, kể từ năm 2018, VN đã có nhiều thuận lợi trong việc giao thương với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Tháng 11/2018, VN là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định CPTPP. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực tại VN ngày 14/01/2019, và hiệp định Thương Mại Tự Do giữa VN và Âu Châu EVFTA có hiệu lực ngày 01/8/2020.


Để được hưởng ưu đãi thuế quan, VN phải tuân thủ những cam kết trong hai hiệp định nói trên, nhất là các quy định về quyền lao động. Quan trọng nhất đối với người lao động VN, là qua Bộ Luật lao Động cải sửa năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó cho phép người lao động được thành lập Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động (nghiệp đoàn độc lập không thuộc công đoàn) tại cơ sở.


Điểm cần được lưu ý là Tổ chức Lao động Thế giới ILO tại Hà Nội đã hỗ trợ VN thực hiện sửa đổi Bộ Luật Lao Động 2019 qua Dự Án Khung Quan Hệ Lao Động Mới. Dự này án được Bộ Lao Động Hoa Kỳ tài trợ với ngân khoản 5,1 triệu Mỹ Kim theo thỏa thuận số IL-29690-16-75-K-11.


Bộ Luật lao Động 2019 có hiệu lực đã gần hai tháng, mà không thấy một nghiệp đoàn độc lập nào được hình thành và xuất hiện công khai hoạt động.

Câu hỏi được đặt ra là Bộ Luật này có đáp ứng được nhu cầu của người lao động thành lập nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của họ hay không ?

Đến giờ này, câu trả lời là không, vì:


1/ Theo “Báo Cáo Nhân Quyền Toàn Cầu 2019: Việt Nam” của Bộ Ngoại Giao HK ngày 11/3/2020 có những điểm quan trọng về BLLĐ 2019:

  • Hoạt động của những nghiệp đoàn độc lập dễ bị chính phủ CSVN khống chế và kiểm soát;

  • Quyền tự do nghiệp đoàn, quyền thương lượng tập, quyền đình công của công nhân bị nhiều giới hạn hoặc cấm cản không đúng với tiêu chuẩn của ILO qua Công Ước 87. Mặc dù VN chưa phê chuẩn Công Ước 87, nhưng VN là thành viên của Tổ chức lao Động Thế giới, theo Điều 2 của Tuyên bố 1998 ILO, đã khẳng định là các quốc gia thành viên ILO, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn tám công ước này đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện tám công ước cơ bản này một cách thiện chí.

2/ Theo Thông Cáo Báo Chí - Tổ Chức lao Động Thế Giới tại VN ngày 30/12/2020:

Giám đốc ILO Việt Nam, TS. Chang-Hee Lee, cho biết: “Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng chúng sẽ chỉ trở thành hiện thực khi người lao động và người sử dụng lao động có sự hiểu biết và nhận thức được các quyền mới của mình và tích cực sử dụng chúng ”.


Mặc dù TS. Chang – Hee Lee dùng ngôn từ “rất ngoại giao” nhưng cũng nói lên những khó khăn của người lao động hiện nay vì :

  1. Tuyệt đại đa số người lao động không có sự hiểu biết về BLLĐ2019; không có sự hiểu biết về quyền lao động cơ bản tại nơi làm việc, bởi vì NNVN không phổ biến, không hướng dẫn rộng rãi “các quyền mới” cho người lao động.

  2. BLLĐ có hiệu lực gần 2 tháng mà NNVN vẫn chưa phổ biến rộng rãi qua thông báo, hay qua các cơ quan truyền thanh, truyền hình và trên mạng điện tử:

  • Cơ quan nào thuộc Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép cho nghiệp đoàn độc lập chính thức hoạt động?

  • Khi nào có Nghị định chính phủ về chi tiết quy trình thành lập nghiệp đoàn độc lập?

  • Tên và địa chỉ Cơ Quan Đầu Mối của VN theo hiệp định CPTPP để tiếp nhận thông tin, đơn thư từ của công chúng?

  • Tên và địa chỉ của Cơ Quan Đầu Mối VN trong hiệp định Thương mại Tự Do VN-Âu Châu EVFTA?

Với hai lý do nêu trên, mặc dầu BLLĐ 2019 có hiệu lực gần 2 tháng mà chưa có một nghiệp đoàn độc lập nào xuất hiện, không phải ngẫu nhiên mà người ta hiểu rằng đây cũng là ý muốn của NNVN, vì họ sợ mất quyền thống trị trên 50 triệu người lao động VN.


Dựa trên lãnh vực hoạt động hiệu quả của ILO tại Hà Nội, chúng tôi mong đợi TS. Chang-Hee Lee nỗ lực thuyết phục NNVN:

  • Cải sửa BLLĐ 2019 thêm nữa cho đúng với tiêu chuẩn lao động của ILO mà mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có VN, phải tuân thủ.

  • Thay đổi cung cách làm việc để giúp cho 50 triệu lao động VN có được nhiều thuận lợi trong việc thành lâp nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền và lợi ích của họ, ổn định đời sống và thăng tiến nghề nghiệp.

  • Ban hành nghị định chính phủ về quy trình thành lập NĐ ĐL và rộng rãi quảng bá để người lao động có thể thành lập NĐ ĐL theo ước muốn của họ.

  • Phổ biến rộng rãi tên và địa chỉ của Cơ Quan Đầu Mối của VN theo yêu cầu của EVFTA và CPTPP.

Sau cùng, ILO tại Hà Nội là chỗ dựa pháp lý cho người lao động VN sẽ gặp nhiều khó khăn với công đoàn và chủ nhân khi tiến hành việc thành lập nghiệp đoàn độc lập.


. Nguyễn Hạnh, viết riêng cho NBCN


Tham khảo:

https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/

Press release | 30 December 2020

Implementing new Labour Code will expedite Viet Nam’s path to high income country

https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_765310/lang--en/index.htm

https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/lang--vi/index.htm

bottom of page