top of page
  • Writer's pictureNBCN

Bắc Giang: Hơn 1.600 công nhân đình công đề nghị tăng lương


Công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam (Bắc Giang) ngừng việc tập thể ngày 31.3.2022. Ảnh: NVCC

Ngày 31.3.2022, khoảng 1.600 công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam (Bắc Giang) đã đình công, đề nghị tăng lương cơ bản thêm 300.000 đồng/người/tháng, sau 2 năm mức lương này không tăng.


Công ty TNHH KD Sports Việt Nam có địa chỉ tại đường 296, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc), sản xuất may mặc, với tổng số 1.664 lao động, làm việc tại 3 xưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Quang Tuấn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang cho biết, trước đó, vào ngày 11.3.2022, các xưởng gửi đơn lên Ban lãnh đạo công ty đề nghị giải quyết 3 nội dung chính:

  1. đề nghị tăng lương cơ bản thêm 300.000 đồng/người/tháng;

  2. thưởng ngày 10.3 Âm lịch hàng năm: 100.000 đồng/người;

  3. người lao động là F0 nghỉ điều trị không bị trừ trợ cấp chuyên cần và thâm niên.

Sau khi nhận được đơn, do giám đốc và phiên dịch là F0 nên đến chiều 30.3.2022, một số công nhân lao động ngừng việc và ở tại chỗ để phản đối sự chậm trễ của ban lãnh đạo công ty.


Hiện lương cơ bản tại công ty có mức thấp nhất là 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Đến 7h30 ngày 31.3.2022, toàn bộ công nhân 3 xưởng ngừng làm việc và tập trung tại khuôn viên công ty để yêu cầu ban lãnh đạo giải quyết đơn đề nghị.

Đến 11h30 ngày 31.3.2022, sau khi trao đổi, thương lượng đã đi đến thống nhất phương án:

  1. tăng lương cơ bản 230.000 đồng/tháng;

  2. đồng ý thưởng ngày lễ 10.3 Âm lịch: 100.000 đồng/người/tháng;

  3. người lao động là F0 được hỗ trợ 50% số tiền đã bị trừ chuyên cần, thâm niên, thời gian thực hiện từ tháng 2.2022 trở đi.

Tuy nhiên, phía công nhân vẫn chưa đồng thuận đối với 2 nội dung: Tăng tiền lương cơ bản và hỗ trợ người lao động là F0. Công nhân vẫn chưa vào làm việc trong chiều 31.3.2022.

Sáng 01.4.2022, Liên đoàn Lao động huyện sẽ tiếp tục xuống tuyên truyền, vận động công nhân lao động khắc phục khó khăn, thông cảm ở cả 2 phía, đồng thuận để tiếp tục đi làm.

bottom of page