“An cư” là vấn đề cấp thiết với công nhân, người lao động

Bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 28-7-2021, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ưu tiên, chăm lo nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh): Chăm lo tốt hơn cho nguồn nhân lực
Việc cần có cơ chế, chính sách để chăm lo nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là rất cần thiết. Nếu thực hiện được, người lao động có thể yên tâm sản xuất trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, có nhiều công nhân, lao động đang phải đi thuê nhà ở với chi phí đắt đỏ, trong khi đó, hạ tầng lại không bảo đảm tái tạo sức lao động.
Chính phủ cần có những cơ chế để tạo điều kiện cho người lao động được bảo đảm ổn định tốt hơn. Đó chính là chăm lo tốt hơn cho nguồn nhân lực, phục vụ tốt hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Chỉ có “an cư” mới “lạc nghiệp”, do đó, rất cần có những chính sách để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có việc đầu tư, xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân.
Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương): Phải có phương án rõ ràng
Bình Dương là địa phương có số lượng dân cư đông thứ 6 cả nước, trong đó, chiếm số lượng lớn là người nhập cư từ các địa phương khác, chủ yếu là công nhân lao động. Để bảo đảm đời sống cho công nhân thì họ cũng cần được chăm lo, tạo điều kiện để tiếp cận về các dịch vụ nhà ở xã hội.
Tôi cho rằng,
Cần phải xem xét, đánh giá và có phương án rõ ràng về việc triển khai đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đối tượng này.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang): Nhu cầu cần được ưu tiên giải quyết sớm
Về việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, cũng cần xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút nguồn vốn từ các khu vực khác tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Nếu chính sách hợp lý, có thể tranh thủ được nguồn vốn ở nhân dân, doanh nghiệp rất nhiều.
Tôi cho rằng, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn khác cũng phải được khơi thông qua cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài và có thể dự báo được. Nếu được,
Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước làm “vốn mồi” và có sự phối hợp giữa các khu vực nhà nước và doanh nghiệp thì sẽ phát triển được các chương trình nhà ở cho công nhân.