Alibaba, Warburg đổ tiền vào thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam

Theo hãng tin Bloomberg, một số công ty quốc tế như Alibaba và Warburg Pincus, Goldman Sachs, JD.com hay Shopee, Amazon đang đổ tiền để đầu tư vào Việt Nam nhằm chiếm miếng bánh ở thị trường bán lẻ trực tuyến ở quốc gia Đông Nam Á này.
Từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư quốc tế đã đổ 1.9 tỷ Mỹ kim vào thị trường bán lẻ trực tuyến ởViệt Nam tuy giá trị còn thấp nhưng có tiềm năng phát triển nhanh, lên tới 52 tỷ vào năm 2025, tăng 29% so với năm 2020.
Liên minh do Alibaba và Baring Private Equity Asia dẫn đầu sẽ đầu tư 400 triệu Mỹ kim để mua 5.5% cổ phần trong CrownX thuộc công ty bán lẻ Masan. Theo thỏa thuận, Masan sẽ hợp tác với Lazada – nền tảng thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á. Sự kết hợp giữa chuyên môn bán lẻ trực tuyến của Alibaba, nền tảng Lazada tại Việt Nam, mạng lưới offline của Masan sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để tối tân hóa thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Hồi tháng 1, M-Service, startup đứng sau ví điện tử Momo, huy động hơn 100 triệu Mỹ kim từ một nhóm đầu tư, bao gồm Warburg Pincus. Trong khi đó, các nhà đầu tư như Sumitomo và JD.com đẫ đầu tư 192.5 triệu vào Tiki.
Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng mua sắm trực tuyến lên 10% doanh số bán lẻ Việt Nam vào năm 2025 từ con số khiêm tốn 3.1% hiện nay. Dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội đã thúc đẩy bán lẻ kỹ thuật số khi có thêm 30% người Việt Nam mua sắm mọi thứ từ thực phẩm đến đồ điện tử qua mạng năm 2020.
Các trang web thương mại điện tử đua nhau tung ra chương trình tiếp thị, giảm giá mọi thứ từ AirPods đến máy giặt Samsung. Startup ví điện tử cung cấp phiếu giảm giá. Tiki áp dụng chính sách hoàn hàng tối đa 30 ngày.