2020: Lần đầu tiên trong 25 năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng âm

Năm 2020 là năm đầu tiên trong 25 năm qua ngành dệt may Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng âm. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên đây cũng được xem là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh doanh thu dệt may toàn cầu giảm 25%.
Theo nghiên cứu được đưa ra bởi Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động (ERC), hầu hết các báo cáo ngành của khu vực và thế giới đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc và giày dép giảm chưa từng có trong năm 2020. Cụ thể, theo ước tính vào quý III/2020 của PWC và Wazir Advisors, trong năm 2020, nhu cầu hàng may mặc của EU và Hoa Kỳ giảm lần lượt là 45% và 40% và giày dép giảm 27% và 21%.
Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, thậm chí là đầu năm 2023.
Cùng với việc tổng cầu sụt giảm, giá nhập khẩu hàng thời trang vào các thị trường lớn cũng giảm sút ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể, theo tính toán của tác giả trên cơ sở dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa kỳ, trong vòng 9 tháng năm 2020, giá nhập khẩu may mặc vào Hoa Kỳ đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi mức giảm trung bình của những năm trước chưa tới 1%.
TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết, dịch COVID-19 cũng tác động mạnh tới DN dệt may và giày dép Việt Nam khi có tới 94,2% DN da giày, 87,1% DN dệt may bị giảm đơn hàng; 84,5% DN da giày, 53,5% DN dệt may bị khách hoãn hủy đơn; 74,8 DN da giày, 22,9% DN dệt may không xuất khẩu được.
Khảo sát tháng 6/2020 của ERC trong ngành dệt may, giày dép và điện tử cho thấy, mới chỉ có 10% nhà máy tại Việt Nam được thanh toán đầy đủ chi phí nguyên vật liệu và nhân công cho các đơn hàng đã sản xuất nhưng bị khách hàng hoãn hoặc hủy. Gần 90% nhà máy bị chậm thanh toán từ 1-6 tháng, thậm chí lâu hơn và nhiều khách hàng đòi giảm giá tới 70%. Kể cả trong trường hợp không bị chậm thanh toán, việc lưu kho trong một thời gian dài cũng gây ra rủi ro chi phí cho nhà máy.
Phó Giám đốc một công ty giày Đài Loan cho biết: “Mặc dù khách hàng không hủy đơn nhưng trì hoãn việc nhận hàng. Giờ hàng sản xuất xong phải lưu hết trong kho, tốn thêm tiền của nhà máy. Thời tiết lúc nóng lúc mưa như thế này, chỉ ngoài 2 tháng là keo giày bong hết, nhà máy chúng tôi có nguy cơ mất trắng cả lô hàng”.
Khảo sát doanh nghiệp tiến hành trong tháng 9-10/2020 cho thấy, các nhà máy dệt may và giày dép vẫn đang gặp phải khó khăn. Cụ thể, 51% nhà máy cho biết nhãn hàng chậm thanh toán và 16,6% nhà máy không được thanh toán đầy đủ cho các đơn hàng bị hủy. Đặc biệt, 32,4% nhà máy cho biết họ không được nhãn hàng hỗ trợ hoặc chia sẻ thiệt hại khi hoãn, hủy đơn hoặc chậm chuyển hàng nhưng các nhà máy không có cơ sở để yêu cầu.