120 ngày sau khi BLLĐ 2019 có hiệu lực - Điều gì xảy ra?

Từ khi BLLĐ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đến nay là đúng 120 ngày, nhưng người lao động chúng ta không thấy một không khí hồ hởi và sinh động về hoạt động liên quan đến nghiệp đoàn độc lập.
Chúng ta cũng không thấy có sự xuất hiện một nghiệp đoàn độc lập nào ra mắt và công khai hoạt động. Đây là một chỉ dấu bất thuờng, bởi:
1. Từ năm 1994 đến gần đây tại VN đã có trên 6000 cuộc đình công tự phát, vì người lao động không chịu nổi sự áp bức của chủ nhân về mức lương, nợ lương, giờ làm việc, độ an toàn nơi làm việc, phẩm chất và vệ sinh các bữa ăn ca...;
2. Từ năm 2018 đến nay hằng năm có trên 100 vụ ngưng việc tập thể;
3. Mặc dầu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có tác động lên , nhưng VN vẫn là một nước có tỷ lệ tăng trưởng “dương” theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB)ngày 15/01/2021. GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% vào năm 2021. Có nghĩa là Nhà nước Việt Nam (NNVN) không bị khủng hoảng đến mức phải hy sinh quyền lợi của giai cấp lao động để chỉ lo cứu nguy kinh tế.
Cho nên, thật khó tin rằng từ ngày 01/01/2021 đến nay, đúng 120 ngày, không lẽ 53 triệu người lao động hoàn toàn hài lòng với hợp đồng lao động mà họ đang có, do đó nguời lao động không cần hoặc không thấy có nhu cầu thành lập nghiệp đoàn để tranh đấu cho quyền lợi của họ mà lần đầu tiên, gần 100 năm dưới chế độ CSVN họ được quyền thành lập nghiệp đoàn hợp pháp qua BLLĐ 2019. Nếu theo dõi tình hình lao động hiện nay, chúng ta thấy 3 ngành may mặc, giày dép, đồ gỗ sử dụng nhiều triệu công nhân đang là thành phần lam lũ “làm việc đầu tắt mặt tối” với mức lương không đủ sống. Trong thời gian gần đây, công nhân thuộc ngành may mặc đã có nhiều cuộc đình công liên tục.

Có một số lý do để giải thích tại sao không có một nghiệp đoàn nào ra mắt hoạt động trong 4 tháng qua:
1. Đối với người lao động có 3 luồng suy nghĩ : a) Kinh nghiệm quá khứ, trong không khí phấn khởi VN gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thì ngày 20/10/2006, Công Đoàn Độc Lập ra đời. Vài ngày sau, ngày 30/10/2006, Hiệp Hội Đoàn Kết Công-Nông Việt Nam ra đời. Nhưng chỉ một tuần sau khi VN chính thức gia nhập WTO ngày 07/11/2006, cả hai nghiệp đoàn độc lập đầu tiên dưới chế độ cộng sản đều bị giải tán. Cũng như 15 năm trước, không có gì khẳng định là những người tiên phong dấn thân hoạt động nghiệp đoàn trong những ngày tháng sắp tới không bị NNVN tìm cách ngăn cản hay đàn áp. Do đó người lao động không tin NNVN thành thật trong việc giúp đỡ người lao động thành lập nghiệp đoàn để đấu tranh và bảo vệ quyền lợi của họ; b) Sự trấn áp và bỏ tù nhiều nhà dân chủ ôn hòa và những người phản biện trên mạng từ năm 2017 đến nay đã làm cho người lao động e ngại bị trù dập mặc dầu họ có ý định thành lập nghiệp đoàn hầu có những hoạt động hiệu quả hơn công đoàn trực thuộc MTTQ hiện hành; c) Tâm lý lo sợ chủ nhân cho nghỉ việc khi tham gia hay thành lập nghiệp đoàn trong công ty, nhất là trong bối cảnh hiện nay NNVN, TLĐLĐVN và Công đoàn các cấp gần chủ nhân hơn gần với người lao động.
2. NNVN đã không quảng bá rộng rãi BLLĐ 2019 trên cơ quan bo chí truyền hình, hoặc tổ chức những lớp tập huấn cho người lao động về nghiệp đoàn. BLLĐ 2019 cũng không được khai triển thành những Văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật và các hướng dẫn cần thiết về Thủ tục đăng ký thành lập nghiệp đoàn…
3. Thành phần trí thức, giới đấu tranh dân chủ ôn hòa, các tổ chức xã hội dân sự cũng không viết nhiều bài hướng dẫn về quyền lao động và nghiệp đoàn trên mạng xã hội, để vừa tạo sự quan tâm của người lao động, vừa giải thích cho người lao động hiểu biết về quyền được thành lập nghiệp đoàn và các quyền lợi mà họ mặc nhiên được hưởng và NNVN phải tôn trọng để được mức ưu đãi thuế quan qua Hiệp Định CPTPP, Hiệp Định EVFTA và qua hệ thương mại Hoa Kỳ - VN.
Qua Thông Cáo Báo Chí của Tổ Chức lao Động Thế Giới tại VN (ILO) ngày 30/12/2020, Giám đốc ILO Việt Nam, TS. Chang-Hee Lee, cho biết: “Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng chúng sẽ chỉ trở thành hiện thực khi người lao động và người sử dụng lao động có sự hiểu biết và nhận thức được các quyền mới của mình và tích cực sử dụng chúng ”.
Ông Chang-Hee Lee nói rất rõ là người lao động và chủ nhân, nhất là người lao động, cần phải có:
1. Sự hiểu biết về BLLĐ 2019 là các bạn có quyền thành lập Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động (nghiệp đoàn độc lập) tại công ty để đòi hỏi những quyền và lợi ích lao động một cách công bằng và hợp pháp cho chính bạn
2. Nhận thức được các quyền mới là: a) Bạn có quyền thương lượng với chủ nhân và với nghiệp đoàn, bạn có số đông đoàn viên sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh và trọng lượng để thương thảo với chủ nhận hầu đạt được những hợp đồng công bình và hợp lý; b) Nếu bạn thương lưọng với chủ nhân qua nhiều giai đoạn mà không đạt được kết quả như chính bạn mong đợi, bạn có quyền đình công hợp pháp. Nên nhớ qua BLLĐ 2019, chỉ có tham gia nghiệp đoàn, bạn mới có quyền hợp pháp để tổ chức đình công sau khi thương lượng không thành.
3. Có sự hiểu biết, có nhận thức về các quyền cũng chưa đủ, người lao động phải tích cực thành lập nghiệp đoàn theo đúng luật pháp để tranh đấu cho quyền và lợi ích của người lao động.

Đối với người lao động, cho dù có suy nghĩ như thế nào đi nữa, nhưng nếu muốn có một đời sống ổn định, thăng tiến nghề nghiệp, bạn không còn có cách nào khác hơn là phải thành lập nghiệp đoàn, bởi chỉ có nghiệp đoàn mới giải quyết được những bức xúc trong quan hệ giữa người lao động với chủ nhân.
“Phong trào Lao Động là lực lượng chính biến sự khốn khổ và tuyệt vọng thành hy vọng và tiến bộ”.
-Martin Luther King Jr.-
Nguyễn Hoàng Vinh, viết riêng cho NBCN.